Dị ứng theo mùa có thể gây ra các triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Một số loại trái cây, rau và thực phẩm vừa giàu dưỡng chất lại ngon miệng sẽ giúp bạn giảm bớt triệu chứng hoặc ngăn ngừa dị ứng theo mùa đấy! Dị ứng theo mùa còn được gọi là sốt cỏ khô hoặc viêm mũi dị ứng, chỉ xảy ra ở một vài thời điểm nhất định trong năm, thường vào mùa xuân hoặc hè. Khi hệ thống miễn dịch phản ứng với các chất gây dị ứng như phấn hoa thực vật, thời tiết thay đổi… sẽ dẫn đến triệu chứng nghẹt mũi, hắt xì hơi hoặc ngứa. Khi bị dị ứng theo mùa, nhiều người thường nghĩ đến việc loại bỏ một số loại thực phẩm ra khỏi chế độ ăn uống để tránh tình trạng trở nên nặng thêm. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác. Vì mối liên hệ giữa dị ứng theo mùa và thực phẩm chỉ giới hạn ở một số thức ăn và đối tượng nhất định, ví dụ như người bị dị ứng theo mùa với cây bạch dương, cỏ phấn hương hoặc ngải cứu.
Thực phẩm giảm triệu chứng dị ứng theo mùa
Một số loại thực phẩm có thể giúp bạn làm giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa như sổ mũi, chảy nước mắt… Đồng thời, chế độ dinh dưỡng phù hợp còn giúp giảm chứng viêm và tăng cường hệ miễn dịch. Bạn hãy cùng avado khám phá 7 nguyên liệu tạo ra những món ăn ngon giúp bạn ngăn ngừa dị ứng theo mùa nhé!
1. Cá béo ngăn ngừa dị ứng theo mùa
Các loại cá, đặc biệt là cá biển, chứa rất nhiều omega-3 có thể làm tăng khả năng chống dị ứng của cơ thể và thậm chí cải thiện bệnh hen suyễn. Omega 3 được biết đến là chất cần thiết cho não và hệ thần kinh, tốt cho tim nhờ khả năng làm giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim, giảm huyết áp và ngừa tắc động mạch.
Một nghiên cứu của Đức năm 2005 đã chỉ ra rằng máu chứa càng nhiều axit béo eicosapentaenoic (EPA) sẽ càng có ít nguy cơ bị dị ứng theo mùa hoặc sốt cỏ khô. Các axit béo có trong cá còn giúp giảm triệu chứng hẹp thanh quản – nguyên nhân chính gây ra bệnh hen suyễn và một số trường hợp dị ứng theo mùa. Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng người trưởng thành nên ăn 227g thịt cá/tuần, đặc biệt là các loài có hàm lượng thủy ngân thấp như cá hồi, cá thu, cá mòi và cá ngừ.
2. Trái cây có múi ngăn ngừa dị ứng
Trong các trái cây có múi có chứa nhiều vitamin C không chỉ có tác dụng ngăn ngừa cảm lạnh thông thường mà còn rút ngắn thời gian bị bệnh, cũng như mang lại lợi ích sức khỏe khác cho những người bị dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng.
Vitamin C có tác dụng chống lại khả năng của histamin trong cơ chế gây ra dị ứng của cơ thể, nhờ đó giảm được triệu chứng mề đay, ngứa mũi… đồng thời còn giúp tăng cường hệ miễn dịch để chống lại vi khuẩn. Những loại trái cây có múi cũng giàu flavonoid có tác dụng kháng sinh chống viêm và dị ứng. Bạn nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng các loại trái cây có hàm lượng vitamin C cao như cam, bưởi, chanh…
3. Phấn ong ngăn ngừa dị ứng theo mùa
Phấn ong là nguồn thức ăn chủ đạo nuôi sống từ ong non cho tới ong thợ, do đó phấn ong có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, thậm chí còn hơn cả trứng, sữa… Phấn ong không chỉ là thức ăn của loài ong mà còn là thực phẩm hữu ích đối với con người. Đây là hỗn hợp của enzyme, phấn hoa, mật ong và sáp, thường được sử dụng như một phương thuốc chữa dị ứng theo mùa. Phấn ong có đặc tính chống viêm, kháng nấm và kháng khuẩn trong cơ thể. Trong một nghiên cứu trên động vật, các chuyên gia đã phát hiện ra rằng phấn ong có tác dụng ức chế sự kích hoạt của dưỡng bào – một bước quan trọng trong việc ngăn ngừa triệu chứng dị ứng theo mùa như sổ mũi, nghẹt mũi…
Phấn ong có dạng viên trò nhỏ, vị vừa đắng vừa ngọt và mùi tương tự như hạt phỉ. Bạn có thể dùng phấn ong bằng cách rắc một ít lên sữa chua hoặc ngũ cốc, pha trộn chung với sinh tố.
4. Tỏi ngăn ngừa dị ứng
Tỏi là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn, không chỉ làm tăng thêm hương vị mà còn đem đến những công dụng chữa trị bệnh hiệu quả. Theo các nghiên cứu cho thấy, trong tỏi có chứa allicin – chất kháng sinh mạnh tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn, giúp chống viêm nhiễm và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Nhờ những hợp chất này, tỏi được sử dụng nhiều trong điều trị các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, nhiễm trùng, viêm nhiễm.
Tỏi có khả năng giúp làm giảm nhanh chóng các triệu chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi. Tỏi còn giúp phục hồi niêm mạc mũi bị tổn thương, giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện các triệu chứng khó chịu.
5. Sữa chua ngăn ngừa dị ứng theo mùa
Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn probiotic giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột để cải thiện khả năng hấp thụ thức ăn, tăng cường sức khỏe. Sữa chua có thể thúc đẩy sản xuất kháng thể và tế bào bạch cầu ngăn không cho cơ thể hấp thu quá mức đối với các chất gây dị ứng. Bên cạnh việc cung cấp chất đạm và nhiều vitamin cho cơ thể, sữa chua được tạo nên nhờ quá trình lên men sữa nên có thể cung cấp cho cơ thể lượng lớn các vi khuẩn có lợi, duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng. Các nghiên cứu cho thấy thói quen ăn ít nhất 2 cốc sữa chua/ngày trong vòng 4 tháng sẽ giúp bạn làm giảm nguy cơ bị các loại dị ứng theo mùa, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
6. Củ hành ngăn ngừa dị ứng
Củ hành là nguồn cung cấp quercetin tự nhiên dồi dào cho cơ thể. Quercetin đóng vai trò giống như vitamin C giúp ức chế tình trạng viêm trong cơ thể, ngăn chặn các vấn đề liên quan đến tình trạng viêm do dị ứng như nghẹt mũi, viêm mũi… Củ hành màu đỏ có nồng độ quercetin cao nhất, tiếp theo là hành trắng và hành lá. Các cách chế biến thức ăn có thể làm giảm hàm lượng quercetin, do đó để đạt hiệu quả tốt nhất thì bạn nên ăn hành sống.
Bạn có thể dùng hành làm nguyên liệu chế biến các món salad, ăn kèm với sandwich… Củ hành cũng là thực phẩm giàu prebiotic giúp nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch.
7. Gừng ngăn ngừa dị ứng theo mùa
Gừng có thể làm giảm một số triệu chứng khó chịu có thể do các vấn đề viêm, sưng phù hay kích ứng ở mũi, mắt và cổ họng một cách tự nhiên và an toàn. Trải qua hàng ngàn năm, gừng là bài thuốc tự nhiên được sử dụng để chữa trị các vấn đề về sức khỏe như buồn nôn, đau khớp nhờ chứa hợp chất thực phẩm chống viêm và chống oxy hóa.
Gừng có tác động giống chất kháng histamine giúp chống lại các chứng bệnh dị ứng, gừng khá an toàn cho người bệnh. Gừng không có tác dụng phụ (khô miệng, chóng mặt, nhức đầu mệt mỏi) giống như các loại thuốc chống dị ứng trên thị trường. Nghiên cứu về khả năng điều trị dị ứng trên chuột vào năm 2016, gừng đã chứng minh công dụng hiệu quả trong việc ngăn chặn sản xuất protein gây viêm trong máu, từ đó giảm các dấu hiệu dị ứng. Bạn có thể bổ sung gừng vào bữa ăn hằng ngày bằng các món xào, cà ri, nướng hoặc uống trà gừng. Mặc dù những thực phẩm trên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng không thể thay thế hoàn toàn cho việc điều trị bệnh dị ứng theo mùa. Do đó, bạn hãy thăm khám bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc kết hợp với thực đơn nhiều món ăn ngon để nhanh chóng lành bệnh nhé!