Rối loạn ăn uống nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị thế nào?

Các chứng rối loạn ăn uống tưởng chừng chỉ ảnh hưởng tới vóc dáng nhưng lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Thậm chí, chứng này có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.

Rối loạn ăn uống là một nhóm các vấn đề tâm lý khiến bạn phát triển các thói quen ăn uống không lành mạnh. Chứng này có thể do sự ám ảnh với thức ăn, cân nặng hoặc vóc dáng cơ thể. Bất kỳ ai cũng có thể mắc các chứng rối loạn ăn uống, trong đó thanh thiếu niên và nữ giới trẻ tuổi dễ mắc phải hơn. Thực tế, có tới 13% thanh thiếu niên mắc rối loạn ăn uống ít nhất một lần trước độ tuổi 20.

Các loại rối loạn ăn uống

Các chuyên gia cho rằng chứng rối loạn ăn uống có thể do nhiều yếu tố khác nhau như yếu tố di truyền hay đặc điểm tính cách. Nhiều người còn bị ảnh hưởng bởi những nền văn hóa xem vóc dáng mảnh mai là chuẩn mực của cái đẹp. Vậy có bao nhiêu loại rối loạn ăn uống bạn có thể mắc phải?

1. Rối loạn ăn uống chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần có thể là chứng rối loạn ăn uống được nhiều người biết nhất. Chứng này thường xuất hiện trong độ tuổi thanh thiếu niên và ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Những người mắc chứng chán ăn tâm thần thường tự nghĩ là mình thừa cân dù thật sự họ đang thiếu cân tới mức ảnh hưởng sức khỏe. Họ thường liên tục theo dõi cân nặng, tránh ăn một số loại thực phẩm nhất định và hạn chế lượng calo nạp vào.

Chứng chán ăn tâm thần được chia thành hai loại nhỏ hơn là chứng hạn chế ăn và rối loạn ăn uống vô độ có thể kèm theo tự làm mình nôn thức ăn.

Hạn chế ăn: Những ai mắc chứng hạn chế ăn thường giảm cân bằng cách ăn kiêng, nhịn ăn hoặc tập thể dục quá mức.

Ăn uống vô độ và tự làm mình nôn thức ăn: Những ai mắc các chứng này có thể ăn thật nhiều hoặc ăn rất ít rồi đẩy thức ăn ra khỏi cơ thể. Họ tìm cách nôn, uống thuốc nhuận tràng, uống thuốc lợi tiểu hoặc tập thể dục quá mức.

chứng rối loạn ăn uống có thể do nhiều yếu tố khác nhau
chứng rối loạn ăn uống có thể do nhiều yếu tố khác nhau

Các triệu chứng phổ biến của chứng rối loạn ăn uống chán ăn tâm thần bao gồm:

Chế độ ăn uống rất hạn chế
Thiếu cân đáng kể so với những người có cùng độ tuổi và chiều cao
Lòng tự trọng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cân nặng và vóc dáng
Không ngừng theo đuổi thân hình mảnh mai và không muốn duy trì cân nặng lành mạnh
Sợ tăng cân hoặc liên tục thực hiện những hành vi tránh tăng cân dù thực sự đang thiếu cân
Ảo tưởng về vóc dáng của bản thân, bao gồm việc không chấp nhận mình thiếu cân nghiêm trọng
Các dấu hiệu bệnh OCD hay còn gọi là ám ảnh cưỡng chế cũng thường xuất hiện cùng với các triệu chứng kể trên. Ví dụ nhiều người mắc chứng chán ăn tâm thần thường ám ảnh với những suy nghĩ liên tục về thực phẩm và có thể liên tục thu thập công thức nấu ăn hoặc tích trữ thức ăn. Những người này có thể gặp khó khăn khi đi ăn ngoài và có mong muốn kiểm soát mọi thứ xung quanh mình một cách mãnh liệt.

Nếu chứng chán ăn tâm thần kéo dài thì người bệnh có thể gặp tình trạng loãng xương, vô sinh, tóc và móng dễ gãy hay cơ thể mọc một lớp lông mỏng. Trong trường hợp nghiêm trọng, chứng này còn có thể dẫn đến suy tim, suy não hoặc suy đa tạng và tử vong.

2. Chứng cuồng ăn bulimia

Chứng cuồng ăn (Bulimia neurosa) thường xuất hiện trong thời niên thiếu và phổ biến ở nữ giới hơn như chứng chán ăn tâm thần. Những người bị chứng cuồng ăn thường xuyên ăn nhiều một cách bất thường trong một khoảng thời gian cụ thể. Họ thường có những đợt ăn uống vô độ cho đến khi no đến mức đau đớn. Trong những đợt này, người bệnh thường cảm thấy rằng mình không thể ngừng ăn hoặc không kiểm soát được mình đang ăn bao nhiêu.

Người bệnh có thể ăn bất kỳ loại thực phẩm nào nhưng thường sẽ ăn những món mình vẫn tránh. Sau những đợt ăn uống vô độ, bệnh nhân có thể muốn loại bỏ lượng calo tiêu thụ và làm giảm sự khó chịu trong bụng. Các hành vi loại bỏ calo phổ biến bao gồm nôn mửa, nhịn ăn, uống thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, dùng túi súc ruột và tập thể dục quá mức.

Các dấu hiệu của chứng cuồng ăn

khá giống với chứng ăn uống vô độ của bệnh nhân chán ăn tâm thần. Tuy nhiên, những người mắc chứng này thường duy trì cân nặng tương đối bình thường chứ không thiếu cân. Các triệu chứng phổ biến của chứng cuồng ăn bao gồm:

Sợ tăng cân dù có cân nặng bình thường
Thường có các đợt ăn uống vô độ không kiểm soát
Lòng tự trọng bị ảnh hưởng nặng nề bởi vóc dáng và cân nặng của cơ thể
Thường có các hành vi không phù hợp để loại bỏ số thức ăn mình ăn vào nhằm tránh tăng cân
Chứng cuồng ăn còn có thể dẫn đến viêm và đau họng, sưng tuyến nước bọt, mòn men răng, sâu răng, trào ngược axit, kích ứng ruột, mất nước nghiêm trọng và rối loạn nội tiết. Trong trường hợp nghiêm trọng, chứng này cũng có thể gây mất cân bằng các chất điện giải như natri, kali và canxi. Điều này có thể gây ra đột quỵ hoặc đau tim.

3. Chứng rối loạn ăn uống vô độ

Chứng ăn uống vô độ thường bắt đầu trong thời niên thiếu nhưng nó có thể xuất hiện trễ hơn. Những người mắc chứng rối loạn ăn uống này có các triệu chứng tương tự như những người mắc chứng ăn uống vô độ khi chán ăn tâm thần.

Họ thường ăn một lượng lớn thức ăn bất thường trong khoảng thời gian ngắn một cách không kiểm soát. Thế nhưng, người mắc chứng ăn uống vô độ không hạn chế lượng calo nạp vào và cũng không nôn hoặc tập thể dục để loại bỏ bớt calo.

ăn một lượng lớn thức ăn bất thường
ăn một lượng lớn thức ăn bất thường

Các triệu chứng phổ biến của chứng rối loạn ăn uống vô độ là:

Mất kiểm soát trong các đợt ăn uống vô độ
Cảm thấy xấu hổ, ghê tởm hoặc mặc cảm tội lỗi khi nghĩ về hành vi ăn uống của mình
Ăn một lượng lớn thực phẩm nhanh chóng và trong bí mật dù không đói cho đến khi bụng khó chịu
Không cố gắng loại bỏ các thực phẩm mình đã ăn bằng cách nôn mửa, tập thể dục quá mức, sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu
Những người mắc chứng ăn uống vô độ thường bị thừa cân hoặc béo phì. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng y khoa do béo phì như bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường type 2.

4. Hội chứng pica

Hội chứng pica là một chứng rối loạn ăn uống liên quan đến việc ăn những thứ không được coi là thực phẩm. Những ai mắc chứng pica thường thèm các thứ không phải thức ăn như đá lạnh, bụi, đất, phấn, xà phòng, giấy, tóc, vải, len, sỏi, bột giặt hoặc bột ngô. Hội chứng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng xuất hiện thường xuyên nhất ở trẻ em, phụ nữ mang thai và những người bị khuyết tật về tinh thần.

Những người mắc chứng pica có thể tăng nguy cơ ngộ độc, nhiễm trùng, chấn thương đường ruột và thiếu hụt dinh dưỡng. Chứng này còn có thể gây tử vong tùy thuộc vào thứ bệnh nhân ăn.

5. Chứng rối loạn nhai lại

Rối loạn nhai lại là một chứng rối loạn ăn uống mới được công nhận. Chứng này là tình trạng người bệnh nôn thức ăn họ đã nhai và nuốt lên nhai lại rồi sau đó nuốt lại hoặc nhổ ra. Hành vi này thường xảy ra trong vòng 30 phút sau bữa ăn mà không liên quan tới các tình trạng y tế như trào ngược. Chứng rối loạn ăn uống này có thể phát triển ở cả trẻ em và người trưởng thành. Ở trẻ sơ sinh, bệnh thường phát triển trong khoảng 3 – 12 tháng tuổi và thường tự biến mất.

Trẻ em và người lớn mắc chứng này thường cần trị liệu để cải thiện bệnh tình. Trẻ sơ sinh mắc bệnh nếu không được chữa trị có thể giảm cân và suy dinh dưỡng nghiêm trọng, từ đó dẫn đến tử vong. Người lớn bị chứng rối loạn này có thể ăn rất ít, đặc biệt là khi đi ăn ngoài. Điều này có thể khiến người bệnh giảm cân và bị thiếu cân.

6. Rối loạn thu nạp thực phẩm

Rối loạn thu nạp thực phẩm hạn chế/né tránh (avoidant/restrictive food intake disorder – ARFID) thường phát triển trong thời thơ ấu và có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành. Chứng này phổ biến ngang nhau ở nam và nữ. Những người mắc chứng rối loạn ăn uống này thường gặp vấn đề với việc ăn uống do không thích ăn thực phẩm có một số mùi, vị, màu sắc, kết cấu hoặc nhiệt độ nhất định.

Các triệu chứng phổ biến của chứng rối loạn ăn uống này là:

Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Phụ thuộc vào thực phẩm chức năng hay việc cho ăn bằng ống
Giảm cân hoặc phát triển kém so với những người cùng độ tuổi và chiều cao
Tránh hoặc hạn chế một số thực phẩm nên không ăn đủ calo hoặc chất dinh dưỡng
Những thói quen ăn uống ảnh hưởng tới việc giao thiệp xã hội. Ví dụ như người bệnh có thể gặp khó khăn khi đi ăn với người khác
Chứng thu nạp thực phẩm hạn chế/né tránh nghiêm trọng hơn tình trạng kén ăn ở trẻ hay việc ăn ít hơn khi lớn tuổi.

Ngoài những chứng rối loạn ăn uống phổ biến trên, bạn vẫn có thể bắt gặp các chứng ít người biết hơn như:

Rối loạn purging:

Những người bị rối loạn purging thường sử dụng các hành vi như nôn mửa, uống thuốc nhuận tràng, uống thuốc lợi tiểu hoặc tập thể dục quá mức để kiểm soát cân nặng hoặc vóc dáng. Tuy nhiên, những người này không mắc chứng ăn uống vô độ.

Hội chứng ăn đêm:

Những người mắc hội chứng này thường xuyên ăn quá mức. Họ thường sẽ ăn khi bị thức giấc giữa đêm.

Rối loạn ăn uống chuyên biệt khác:

Các vấn đề khác với những triệu chứng tương tự như rối loạn ăn uống nhưng không đúng với với bất kỳ loại nào ở trên. Ví dụ như chứng rối loạn ăn uống lành mạnh.

Chứng rối loạn ăn uống lành mạnh là chứng mà bệnh nhân ám ảnh với việc ăn uống lành mạnh đến mức ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Họ có thể bỏ hẳn một nhóm thức ăn nào đó nếu cho rằng nhóm này không lành mạnh. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân nghiêm trọng, gặp khó khăn khi đi ăn ngoài và căng thẳng về mặt cảm xúc. Những người mắc chứng này không tập trung vào việc giảm cân. Họ đánh giá và định hình bản thân thông qua việc mình có ăn uống đúng quy tắc không.

Các chứng rối loạn ăn uống không những ảnh hưởng tới tâm lý người mắc mà còn gây hại trực tiếp lên sức khỏe nên bạn cần đến bác sĩ sớm khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường. Nếu chữa kịp thời, bạn sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *