Khi sức khỏe tinh thần tốt, bạn sẽ có ý chí kiên cường hơn khi đối mặt với các thử thách khó khăn. Nếu là người sống tình cảm hay dễ bị stress, sức khỏe tinh thần bất ổn có bệnh tinh thần sẽ giống như gót chân Asin có thể khiến bạn gục ngã bất cứ lúc nào.
Thần thoại Hy Lạp kể rằng Asin (Achilles) là một chiến binh vĩ đại nhất trong cuộc chiến thành Troy nhờ mình đồng da sắt đẩy bật mọi cung tên. Thế nhưng, vị chiến binh lực lưỡng này lại có một điểm yếu ở gót chân nên cuối cùng đã bại trận.
Câu chuyện về gót chân Asin cũng giống như sức khỏe tinh thần của chúng ta vậy. Hầu hết mọi người đều chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất mà hiếm khi chú ý đến sức khỏe tinh thần. Thậm chí, rất nhiều người còn không biết tình trạng sức khỏe tinh thần của mình đang bất ổn.
Nếu tinh thần của bạn bất ổn thì dù thể chất của bạn vạm vỡ đến đâu hay tính cách mạnh mẽ ra sao vẫn sẽ có nguy cơ “bại trận” khi đối mặt với khó khăn. Đối với người sống tình cảm hoặc dễ bị stress, sức khỏe tinh thần lại càng có ý nghĩa quan trọng.
Sức khỏe tinh thần là gì?
Sức khỏe tinh thần là trạng thái tích cực trong suy nghĩ, cách kiểm soát cảm xúc và hành xử. Cũng giống như sức khỏe thể chất, bạn có thể có sức khỏe tinh thần tốt hoặc sức khỏe tinh thần bất ổn.
Sức khỏe tinh thần tốt
Khi đối diện với các vấn đề trở ngại, người có sức khỏe tinh thần tốt sẽ luôn nhìn thấy những khía cạnh tích cực và tìm ra giải pháp giải quyết nhanh chóng. Họ cũng biết cách tĩnh tâm như một cái cây sống bình lặng dù cuộc đời có xô bồ đến thế nào.
Bạn hãy xem mình có các dấu hiệu sau đây của người có sức khỏe tinh thần tốt không nhé:
Bạn cảm thấy hào hứng khi bắt đầu một ngày mới.
Bạn luôn tự tin khi ngắm bản thân mình trong gương.
Bạn thường xuyên mỉm cười với mọi người xung quanh.
Bạn có thể suy nghĩ tích cực ngay cả trong tình huống tiêu cực.
Bạn ăn ngon miệng, ngủ yên giấc và hiếm khi phiền muộn quá 1 ngày.
Khi sức khỏe tinh thần tốt, bạn sẽ có sức mạnh ý chí để vượt qua những khó khăn hàng ngày một cách dễ dàng hơn.
Sức khỏe tinh thần bất ổn
Khi sức khỏe tinh thần bất ổn, bạn sẽ gặp nhiều trở ngại với tâm lý tiêu cực. Thậm chí, tình trạng này còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, khả năng xử lý công việc và các mối quan hệ.
Sau đây là một số dấu hiệu của người có sức khỏe tinh thần bất ổn:
Bạn không muốn bước xuống giường vào mỗi buổi sáng.
Bạn thường xuyên bị stress do áp lực công việc hàng ngày.
Bạn dễ dàng cảm thấy buồn chán, bị tổn thương và tức giận.
Bạn thường muốn được ở một mình hoặc làm việc đơn độc.
Bạn cảm thấy mệt mỏi về thể chất dù không có vấn đề bệnh lý.
Nếu tình trạng sức khỏe tinh thần bất ổn kéo dài, bạn sẽ có nguy cơ mắc các chứng rối loạn tin thần hay thường gọi là bệnh tâm lý.
Chuẩn mực văn hóa và kỳ vọng xã hội có thể đóng vai trò quan trọng giúp bạn xác định các tình trạng rối loạn tinh thần. Không có một tiêu chuẩn nào để đo lường chính xác cách hành xử bình thường và không bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể tự theo dõi một thời gian và trao đổi với người thân để nhận ra mình có các dấu hiệu của bệnh tinh thần hay không.
Bệnh tinh thần có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ như gene di truyền, môi trường sống, thói quen hàng ngày và sức khỏe thể chất.
Các căn bệnh tinh thần phổ biến
Theo chuyên gia tâm lý, bệnh tinh thần còn được gọi là rối loạn tinh thần. Các chuyên gia tâm lý có thể liệt kê ra đến 300 chứng rối loạn tinh thần với những dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị riêng biệt. Sau đây là một số bệnh tinh thần phổ biến mà bạn dễ gặp phải.
1. Rối loạn lo âu:
Các dấu hiệu rối loạn lo âu (anxiety disorder) chính là tâm trạng lo lắng quá mức, suy nghĩ nhiều, cầu toàn, căng cơ, mất ngủ, vấn đề tiêu hóa…
2. Rối loạn trầm cảm:
Có đến 80% người trong chúng ta sẽ mắc chứng rối loạn trầm cảm (depressive disorder) ở một thời điểm khó khăn trong cuộc đời. Không chỉ dừng lại ở cảm giác buồn bã hay chán nản, tình trạng trầm cảm dẫn đến tự sát đang ngày càng gia tăng ở giới trẻ.
3. Rối loạn lưỡng cực:
Khi mắc chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder), bạn sẽ có những cung bậc cảm xúc vui buồn thất thường và thay đổi liên tục.
4. Rối loạn lo âu xã hội:
Chứng bệnh tinh thần này còn được gọi là chứng sợ xã hội. Khi bị rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorder), bạn có xu hướng sợ đám đông và ngại giao tiếp vơi người khác.
5. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế:
Người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay bệnh OCD (obsessive-compulsive disorder) thường rất sạch sẽ, kỹ càng và chỉn chu. Họ cũng có thể bị ám ảnh bởi những con số, kỳ vọng sự bảo đảm, dằn vặt về các mối quan hệ…
6. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương:
Chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương hay PTSD (post-traumatic stress disorder) có thể là do tổn thương tâm lý hay ảnh hưởng của tai nạn.
7. Tâm thần phân liệt:
Đây là một chứng bệnh tinh thần nghiêm trọng với các dấu hiệu ảo tưởng, cảm xúc nóng nảy và hành vi bạo lực. Bạn cần phát hiện sớm các triệu chứng của tâm thần phân liệt (schizophrenia) để điều trị kịp thời trước khi quá muộn.
Khi nhận ra bản thân có những dấu hiệu của bệnh tinh thần, bạn nên tìm cách đối mặt thay vì trốn tránh để vượt qua giai đoạn khó khăn một cách dũng cảm.
Có rất nhiều chứng rối loạn tinh thần khác nhau, nhưng nếu ai đó mắc bệnh tâm lý nặng thì lại bị gọi là bệnh thần kinh. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến chúng ta có xu hướng thờ ơ với các dấu hiệu bất thường hoặc trốn tránh vấn đề. Suy cho cùng, không ai muốn bản thân mình bị gọi là “thần kinh” hay bị “điên” cả.
Cách điều trị các bệnh tinh thần
Ăn uống cải thiện sức khỏe tinh thần
Nếu tình trạng bệnh tinh thần ở mức độ nhẹ, bạn có thể tự điều trị tại nhà bằng thói quen sống lành mạnh. Khi tình trạng trở nặng hơn với các triệu chứng nghiêm trọng, bạn mới phải tìm đến các liệu pháp tâm lý kết hợp dùng thuốc điều trị.
Lối sống cải thiện sức khỏe tinh thần
Tương tự như khi bạn điều trị các căn bệnh thể chất, lối sống lành mạnh cũng là một chiếc “chìa khóa vàng” đẩy lùi các bệnh tinh thần. Bạn có thể thử áp dụng các lời khuyên sau đây để xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi giúp cải thiện sức khỏe tinh thần:
• Ăn uống đủ chất: Bạn nên ăn nhiều nhóm thực phẩm giúp nâng cao sức khỏe tinh thần như cá nhiều chất béo, ngũ cốc nguyên cám, rau củ quả tươi… Nếu gặp các vấn đề tiêu hóa, bạn nên tự nấu ăn tại nhà để đảm bảo an toàn thực phẩm.
• Tập luyện nhẹ nhàng: Một trong những bộ môn lý tưởng giúp bạn cải thiện sức khỏe tinh thần rất tốt chính là yoga. Bạn nên duy trì lịch tập thường xuyên 5 buổi/tuần.
• Nghỉ ngơi điều độ: Để vượt qua áp lực công việc, bạn nên học cách thu xếp khoa học để cân bằng với cuộc sống cá nhân. Hãy cố gắng tập thói quen ngủ đủ giấc 7 – 8 tiếng/ngày để cơ thể phục hồi năng lượng.
Phương pháp tâm lý trị liệu tăng cường sức khỏe tinh thần
Đây là phương pháp giúp bạn điều trị bệnh tinh thần bằng cách trò chuyện với chuyên gia tâm lý về những cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm của bạn. Các chuyên gia sẽ đóng vai trò như một người bạn lắng nghe mà không phán xét. Từ đó, họ sẽ gợi mở cho bạn giải pháp tốt nhất để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nếu không muốn thực hiện phương pháp tâm lý trị liệu với một người xa lạ, bạn có thể thử trải lòng với một người mình tin tưởng và thân thiết. Nếu họ là người dày dạn kinh nghiệm sống thì có thể sẽ giúp bạn tìm ra cách vượt qua khó khăn.
Thuốc điều trị bệnh tinh thần
Bác sĩ có thể cân nhắc 4 loại thuốc chính được sử dụng để điều trị rối loạn tinh thần bao gồm:
Thuốc chống lo âu
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống loạn thần
Thuốc ổn định tâm trạng
Loại thuốc nào là tốt nhất cho bạn sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng của bệnh và những vấn đề sức khỏe khác mà bạn có thể gặp phải. Bác sĩ có thể cho bạn thử một vài loại thuốc ở các liều khác nhau trước khi tìm ra loại phù hợp giúp bạn giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.
Các loại thuốc điều trị bệnh tinh thần có thể mang đến một số tác dụng phụ ngoài mong muốn, vì thế bạn không nên tự ý mua mà cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Mặc dù các bệnh tinh thần không dễ điều trị vì phụ thuộc vào điều kiện tâm lý của mỗi người, song nếu bạn kiên trì thì sẽ cải thiện dần các triệu chứng. Khi sức khỏe trí tuệ tốt, bạn sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đón chào một ngày mới. Bí mật của hạnh phúc đôi lúc chỉ đơn giản là cảm giác yêu thương bản thân và trân trọng thời khắc hiện tại. Nếu bạn là người sống tình cảm hoặc dễ bị stress thì lại càng nên chăm sóc sức khỏe tinh thần thật tốt để có sức mạnh vượt qua khó khăn nhé!