Lô hội (nha đam) có tên khoa học là Aloe barbadensis hoặc Aloe vera, thuộc chi Lô hội. Cây có nguồn gốc từ Bắc Phi, hiện nay được trồng ở nhiều nơi làm cảnh, chế thuốc hoặc làm rau.
Đặc điểm cây lô hội
Nha đam là loại cây nhỏ, có gốc thân hóa gỗ, ngắn và thô.
Lá dạng bẹ, mọc sát nhau, không có cuống, màu lục nhạt hoặc đậm. Lá mọng nước, mép có răng cưa sắc nhọn, dài từ 20 – 50cm, rộng khoảng 3 – 5cm, dày 1 – 1,5cm. Trên bề mặt lá lô hội thường có các đốm trắng không đều nhau.
Hoa mọc ở nách lá, có thể dài tới 1m, màu vàng đỏ, mang nhiều bông mọc rủ xuống.
Quả nang hình trứng, có 3 ô, bên trong chứa nhiều hạt, lúc đầu có màu xanh sau chuyển sang nâu.
Cây thường ra hoa vào mùa thu.
Thành phần dược chất của cây lô hội
Theo Y học cổ truyền, nha đam có vị đắng, tính hàn, thành phần của cây chứa nhiều dược chất tốt cho sức khỏe như:
Hàm lượng cao chất anthraglucozit (12 – 13%), chủ yếu là aloin có tác dụng làm đẹp da, chống viêm và dưỡng ẩm hiệu quả.
Các loại acid amin, vitamin (A, B6, B12, C, E,…) và khoáng tố vi lượng (Ca, Mg, P,…) giúp tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe. Trong đó, vitamin A, C và E được xem như chất chống oxy hóa, giúp cơ thể kháng lại các gốc tự do có hại gây ra lão hóa và ung thư. Các khoáng chất giúp cho tế bào enzyme khỏe mạnh và hỗ trợ hoạt động chuyển hóa diễn ra nhanh hơn.
20 loại amino acid (7 – 8 loại rất cần thiết cho cơ thể) có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh, cải thiện sức khỏe.
Tác dụng của cây lô hội
Thuốc chiết xuất từ lô hội có thể dùng để uống hoặc dùng ngoài da.
Mọi người uống gel lô hội để giảm cân, điều trị tiểu đường, viêm gan, viêm ruột, viêm xương khớp, loét dạ dày, hen suyễn, các vết loét da liên quan đến phóng xạ, sốt, ngứa và viêm. Một hóa chất trong nha đam gọi là acemannan được dùng để dự phòng HIV/AIDS. Chiết xuất nha đam được sử dụng để điều trị cholesterol cao.
Lô hội được uống chủ yếu để nhuận tràng trong trường hợp táo bón. Thảo dược này cũng được sử dụng cho động kinh, hen suyễn, cảm lạnh, chảy máu, mất kinh, viêm ruột, trầm cảm, đái tháo đường, các bệnh về mắt như tăng nhãn áp, xơ cứng đa xơ, trĩ, giãn tĩnh mạch, viêm khớp, viêm xương khớp và các vấn đề về thị lực. Lá lô hội tươi được dùng để trị bệnh ung thư.
Ngoài ra, lô hội còn được dùng ho da để điều trị mụn trứng cá, lichen planus (tình trạng da bị viêm), viêm trong miệng, bỏng rát, tổn thương da do phóng xạ gây ra, mảng bám, tê cóng, bệnh nướu, làm lạnh vết sẹo, ghẻ, gàu, bệnh trĩ và đau sau phẫu thuật để loại bỏ trĩ nội, viêm xương khớp, viêm. nha đam còn được dùng như một chất khử trùng.
Chiết xuất và gel lô hội cũng được dùng để điều trị mụn rộp sinh dục, vảy và ngứa da, bỏng, cháy nắng và da khô. Chiết xuất của thảo dược này có thể chống côn trùng.
Tác dụng của cây lô hội trị chứng táo bón
Cây nha đam là thực phẩm lý tưởng giúp bổ sung nước, thanh lọc, giải độc cơ thể. Việc tăng cường lượng nước trong đường ruột và kích thích nhu động có tác dụng tăng cường chức năng của hệ bài tiết, giảm chứng táo bón. Những người hay bị táo bón và són tiểu có thể sử dụng nước ép nha đam để cải thiện tình trạng bệnh.
Ngoài ra, nha đam cũng hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, cân bằng vi khuẩn đường ruột, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Tác dụng của cây lô hội giúp chống viêm
Cây nha đam chứa một số chất như axit salicylic, enzyme bradykinin và C-glucosyl chromone có tác dụng kháng viêm rất tốt. Một nghiên cứu trên tờ “Alimentary Pharmacology and Therapeutics” chứng minh vị thuốc này có thể ức chế quá trình sản sinh axit trong cơ thể và ngăn ngừa chứng viêm ruột hiệu quả.
Tác dụng của cây lô hội trong ngăn ngừa và điều trị tiểu đường
Trong một nghiên cứu trên trang “Biological and Pharmaceutical Bulletin”, các nhà khoa học đã thí nghiệm chất phytosterol chiết xuất từ lô hội lên cơ thể chuột. Kết quả cho thấy hoạt chất này có tác dụng với bệnh tiểu đường tuýp 2. Sau khi tiêm thuốc vào chuột trong 1 tháng, lượng đường huyết đã giảm bớt. Nghiên cứu này đã mang lại hy vọng điều trị cho các bệnh nhân bị tiểu đường.
Một thí nghiệm khác trên người cũng đã chứng minh được công dụng của cây lô hội. Người bệnh bổ sung gel nha đam hàng ngày, chỉ sau 4 tuần, chỉ số lipid đã giảm đáng kể. Sau 6 tuần, chỉ số đường huyết cũng trở về mức ổn định.
Cách dùng cây lô hội
Cây nha đam được sử dụng dưới nhiều dạng như viên nang, gel, kem dưỡng, nước ép hay thạch. Tùy từng mục đích, người dùng có thể áp dụng theo các cách khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.
Cách dùng cây lô hội làm đẹp da
Người dùng có thể tự làm kem dưỡng da từ dịch lô hội theo cách sau:
Tách lòng trắng trứng gà vào bát sạch, đánh đều thành bọt.
Cho thêm 5 – 10 giọt dịch nha đam vào đánh cùng.
Trước khi đi ngủ, rửa mặt sạch rồi dùng kem bôi đều lên da, chờ 15 – 20 phút thì rửa lại bằng nước ấm.
Xoa nhẹ và massage da mặt thêm khoảng 3 – 5 phút để tăng hiệu quả.
Nếu chưa sử dụng hết, người dùng có thể đậy kín và đem bảo quản trong tủ lạnh.
Dùng đều đặn 2 – 3 lần/1 tuần, làn da sẽ trở nên mịn màng, căng bóng hơn.
Người dùng cũng có thể dùng gel nha đam làm mặt nạ đắp mặt hàng ngày. Lấy lá tươi rửa sạch, tách vỏ xanh rồi nghiền hoặc giã nát để lấy gel. Tối trước khi đi ngủ đắp 1 lớp gel mỏng chừng 15 – 20 phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Một tuần làm từ 2 – 3 lần sẽ mang lại hiệu quả tốt.
Cách dùng cây lô hội trị táo bón, tiểu đỏ
Nguyên liệu:
Nha đam, đại hoàng, thanh đại mỗi loại 4g.
Đương quy, hoàng cầm, chi tử, hoàng liên, long đởm thảo mỗi vị 6g.
Mộc hương 5,5g.
Xạ hương 0,3g.
Cách dùng:
Tán các vị thuốc thành bột mịn, luyện với mật rồi nặn thành các viên hoàn.
Mỗi lần uống 6 – 10g, ngày dùng 3 lần.
Cách dùng cây lô hội để tẩy trang vùng mắt
Đây là một trong những tác dụng tuyệt vời của cây lô hội đối với chị em phụ nữ. Sau khi trang điểm, người dùng có thể lấy một miếng bông, thấm vào ruột lá nha đam rồi xoa nhẹ quanh vùng mắt. Tính chất làm ẩm có trong lá tươi giúp làn da trở nên mát, mịn và sạch hơn sau khi sử dụng.
Trước khi dùng lô hội bạn nên lưu ý những gì?
Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ, nếu:
Bạn có thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ;
Bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, bao gồm các thuốc không kê đơn mà bạn dự định dùng trong thời gian bạn sử dụng lô hội;
Bạn có dị ứng với bất kỳ chất nào của cây nha đam hoặc các loại thuốc khác hoặc các loại thảo mộc khác;
Bạn có bất kỳ bệnh lý, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác;
Bạn có bất kỳ loại dị ứng nào khác, như thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay động vật.
Quy định về sử dụng thực phẩm chức năng ít nghiêm ngặt hơn quy định về sử dụng thuốc. Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng lô hội với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.
Mức độ an toàn của Lô hội như thế nào?
Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú:
Lô hội, dạng gel hoặc nhựa mủ, có thể không an toàn khi uống. Theo một báo cáo, lô hội có liên quan đến sẩy thai và nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Bạn đừng uống nha đam nếu đang mang thai hoặc cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Đối với bệnh nhân sắp phẫu thuật:
Bạn nên ngưng sử dụng lô hội hai tuần trước khi phẫu thuật vì nó có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và có thể can thiệp vào việc kiểm soát lượng đường trong máu trong và sau khi phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân trẻ em: gel lô hội có thể an toàn khi áp dụng cho da một cách thích hợp. Nhựa mủ nha đam và chiết xuất từ lá có thể không an toàn để trẻ uống. Trẻ em dưới 12 tuổi có thể bị đau dạ dày, co thắt và tiêu chảy.
Đối với bệnh nhân tiểu đường:
Một số nghiên cứu cho thấy rằng lô hội có thể làm giảm lượng đường trong máu. Nếu bạn dùng nha đam và đang mắc bệnh tiểu đường, hãy theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu của bạn.
Đối với bệnh nhân bị bệnh lý đường ruột như bệnh Crohn, viêm đại tràng loét, hoặc tắc nghẽn:
Không dùng nhựa mủ lô hội nếu bạn có bất kỳ tình trạng nào trong số những điều kiện trên. Mủ lô hội là chất gây kích thích đường ruột.
Đối với bệnh nhân bị bệnh trĩ:
Không dùng lô hội nếu bạn có bệnh trĩ vì có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
Đối với bệnh nhân bị các vấn đề về thận:
Sử dụng liều cao lô hội có liên quan đến suy thận và các điều kiện nghiêm trọng khác. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi cần dùng lô hội.
Lô hội có thể tương tác với những yếu tố nào?
Lô hội có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Những thuốc có thể tương tác với lô hội bao gồm:
Digoxin (Lanoxin®)
vì khi dùng mủ lô hội có thể gây kích thích nhuận tràng, làm giảm mức kali trong cơ thể. Mức kali thấp có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ của digoxin (Lanoxin®).
Thuốc trị đái tháo đường
bao gồm glimepiride (Amaryl®), glyburide (DiaBeta®, Glynase® PresTab®, Micronase®), insulin, pioglitazone (Actos®), rosiglitazone (Avandia®), chlorpropamide (Diabinese®), glipizide (Glucotrol®), tolbutamide (Orinase®) do lô hội có thể làm giảm lượng đường trong máu. Thuốc tiểu đường cũng được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu. Dùng nha đam cùng với thuốc tiểu đường có thể gây ra lượng đường trong máu quá thấp. Bạn cần được theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu. Liều thuốc tiểu đường của bạn có thể cần phải thay đổi.
Sevoflurane (Ultane®):
do lô hội có thể làm giảm đông máu.Sevoflurane cũng làm giảm đông máu. Việc uống lô hội trước khi phẫu thuật có thể làm tăng chảy máu trong quá trình phẫu thuật. Bạn đừng nên uống lô hội nếu bạn chuẩn bị phẫu thuật trong vòng 2 tuần.
Thuốc nhuận trường kích thích
bao gồm bisacodyl (Correctol®, Dulcolax®), cascara, dầu thầu dầu (Purge®), senna (Senokot®) và các loại khác do nhựa mủ lô hội là một loại thuốc kích thích nhuận tràng. Dùng mủ nha đam cùng với thuốc kích thích nhuận tràng khác có thể làm tăng tốc độ ruột và làm mất nước cũng như khoáng chất trong cơ thể.
Warfarin (Coumadin®).
Khi uống, lô hội là một loại thuốc nhuận tràng, có thể gây tiêu chảy, làm tăng tác dụng của warfarin và nguy cơ chảy máu. Nếu bạn uống warfarin, không nên uống quá nhiều lượng nước nha đam.
Thuốc lợi tiểu bao gồm chlorothiazide (Diuril®), chlorthalidone (Thalitone®), furosemide (Lasix®), hydrochlorothiazide (HCTZ®, HydroDIURIL®, Microzide®) và các loại khác. Mủ lô hội khi uống có tác dụng nhuận tràng, có thể làm giảm kali trong cơ thể.
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng lô hội này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.