Bạn là tín đồ làm đẹp và rất rành về khoản đắp mặt nạ để chăm sóc da. Thế nhưng, bạn có thực sự biết hết 9 sự thật về mặt nạ giấy chưa?
Ngày nay, nhu cầu làm đẹp ngày càng nhiều nên phương thức làm đẹp càng trở nên đa dạng hơn. Nhưng có một phương thức làm đẹp luôn được các chị em yêu mến và trung thành sử dụng, đó là đắp mặt nạ giấy. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu tất tần tật về cách làm đẹp này nhé!
1. Khái niệm mặt nạ giấy
Mặt nạ giấy là một tấm mặt nạ thiết kế theo hình dáng khuôn mặt được ngâm trong dung dịch serum. Chúng được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau. Mặt nạ dưỡng da chỉ dùng được một lần và được đóng gói riêng lẻ nên có thể sử dụng dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng và ở bất cứ nơi nào.
2. Nguồn gốc mặt nạ giấy
Mặt nạ giấy có nguồn gốc từ Hàn Quốc, đây được xem như một cống hiến to lớn của họ trong ngành công nghiệp mỹ phẩm và chăm sóc da. Chúng được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới nhưng phổ biến nhất vẫn là khu vực châu Á.
Hiện nay, các hãng mỹ phẩm ở nhiều nước như Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ… cũng cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mặt nạ giấy với các công dụng khác nhau, góp phần làm đa dạng hóa sự lựa chọn của người tiêu dùng hơn.
3. Thành phần chính trong dung dịch serum
Tùy thuộc vào từng loại công dụng mà dung dịch serum bên trong gói mặt nạ sẽ chứa các thành phần khác nhau. Một số thành phần chính thường có:
Thành phần dưỡng ẩm: axit hyaluronic, chiết xuất nha đam, bơ, ô liu, dưa leo và rong biển…
Thành phần kháng viêm, trị mụn: chiết xuất trà xanh, tràm trà, mật ong, tre, rau má…
Thành phần dưỡng trắng da: vitamin C, A, E, gạo, chanh, ngọc trai, lựu đỏ…
Một số loại mặt nạ giấy có chứa thành phần chất bảo quản hóa học như paraben và phenoxyethanol để chống nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập. Thành phần này không tốt cho da, vì thế bạn nên cân nhắc kỹ khi mua sản phẩm có chứa chúng.
4. Chất liệu dùng làm mặt nạ giấy
Một sự thật bạn cần biết rõ về mặt nạ giấy là chất liệu làm ra chúng. Chất liệu được dùng để sản xuất mặt nạ dưỡng da rất đa dạng, từ bình dân đến đắt tiền. Năm loại chất liệu phổ biến nhất hiện nay gồm:
Mặt nạ sợi không dệt
Ưu điểm: Giá rẻ, thoáng khí.
Nhược điểm: Dày, ít bám dính, hạn chế khả năng thẩm thấu dưỡng chất vào da, khó điều chỉnh theo kích cỡ khuôn mặt.
Mặt nạ cotton
Ưu điểm: Giá rẻ, mềm mại thoáng khí, dễ thẩm thấu dưỡng chất vào da hơn dạng sợi không dệt và giữ ẩm tốt hơn.
Nhược điểm: hơi khó điều chỉnh theo kích cỡ khuôn mặt.
Mặt nạ hydrogel
đắp mặt nạ hydrogel
Ưu điểm: Dễ tương thích với hình dáng khuôn mặt, dưỡng chất dễ thẩm thấu vào da, làm dịu da nhanh chóng.
Nhược điểm: Giá thành khá cao, không thoáng khí.
Mặt nạ bio-cellulose
Ưu điểm: 100% sợi tơ sinh học làm từ lợi khuẩn tốt cho da, mỏng nhẹ, thoáng khí, độ bám cao, giúp dưỡng chất thẩm thấu nhanh vào da.
Nhược điểm: Giá thành cao.
Mặt nạ giấy bạc
Ưu điểm: Ngăn dưỡng chất bị bay hơi, giúp da hấp thụ nhiều dưỡng chất và cấp ẩm nhanh.
Nhược điểm: không thoáng khí, giá thành cao.
5. Lợi ích việc đắp mặt nạ giấy
Bổ sung các dưỡng chất cần thiết, dưỡng ẩm cho da, giúp da mềm mại, mọng nước.
Tăng độ đàn hồi cho làn da đầy sức sống, làm chậm quá trình lão hóa.
Dưỡng trắng da, làm mờ các vết thâm nám, giúp da đều màu hơn.
Hỗ trợ quá trình điều trị mụn, giúp kháng khuẩn, giảm viêm, sưng đỏ do bị kích ứng.
6. Khuyết điểm của mặt nạ giấy
Kích thước mặt nạ chưa phù hợp với hình dáng khuôn mặt.
Không có tác dụng tẩy tế bào chết trên da, làm sạch sâu.
Dưỡng chất trong serum dễ bay hơi trước khi kịp thẩm thấu vào da.
7. Nên chọn mặt nạ theo từng loại da riêng biệt
Về lợi ích khi sử dụng thì chắc chắn rất nhiều người biết, nhưng có một sự thật về mặt nạ giấy không phải ai cũng hiểu rõ. Đó là loại da nào thì phải đắp mặt nạ có công dụng dành riêng cho loại da đó.
Da mụn:
Nên chọn loại có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, làm dịu da, hỗ trợ phục hồi các tổn thương do mụn trứng cá gây ra như mặt nạ trà xanh, mặt nạ ốc sên, mặt nạ tràm trà…
Da dầu:
Mặt nạ có công dụng thu nhỏ lỗ chân lông, giảm dầu nhờn trên da như mặt nạ than hoạt tính, mặt nạ đất sét, mặt nạ bùn khoáng…
Da khô: Ưu tiên loại mặt nạ có thành phần dưỡng ẩm sâu như mặt nạ bơ, mặt nạ nhau thai cừu, mặt nạ sữa chua, mặt nạ ô liu…
Da hỗn hợp:
Bạn nên chọn loại có chiết xuất vitamin C, collagen, chiết xuất thảo mộc, rau quả… vừa giúp kiềm dầu vùng chữ T, vừa cấp ẩm vùng da khô.
Da nhạy cảm:
Chỉ nên ưu tiên cho các loại mặt nạ có thành phần thiên nhiên dịu nhẹ, không gây kích ứng da như hoa cúc, rau má, trà xanh…
8. Giá của mặt nạ giấy
Đây là một sự thật về mặt nạ giấy có thể khiến nhiều người kinh ngạc. Mặt nạ giấy có giá dao động từ khoảng 20.000 – 300.000 đồng/miếng tùy theo công dụng, chất liệu và thương hiệu của chúng. Quả nhiên, giá cả từ bình dân đến sang chảnh đều có đủ phải không nào? Chưa kể đến một số liệu trình chăm sóc da bằng mặt nạ vàng 24k ở các thẩm mỹ viện, giá của một lần đắp mặt nạ vàng có thể từ vài trăm đến vài triệu đấy.
Hiện nay, mặt nạ dưỡng da đang cực kỳ phổ biến ở Việt Nam nên có rất nhiều lựa chọn phù hợp với túi tiền của bạn. Bạn có thể mua chúng ở siêu thị, cửa hàng mỹ phẩm hoặc shop online nhưng hãy chọn mua ở những nơi uy tín bạn nhé!
9. Cách đắp mặt nạ giấy
Bạn chỉ cần rửa mặt sạch sẽ, lau khô. Sau đó đắp mặt nạ giấy lên mặt và thư giãn trong 15-20 phút. Nếu kích thước của mặt nạ không phù hợp với gương mặt bạn, hãy bắt đầu đắp từ trán, vỗ nhẹ và điều chỉnh từ từ xuống dưới mắt, mũi, miệng và cằm. Dùng phần serum còn dư lại thoa lên vùng cổ để chăm sóc da toàn diện hơn.
Mặt nạ giấy đang là xu hướng làm đẹp trên toàn thế giới nên hiểu thật rõ về chúng sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất khi sử dụng. Bạn hãy đắp mặt nạ thường xuyên để bổ sung thêm dưỡng chất cho da và giúp da khỏe đẹp hơn.