Chiếc bánh trung thu đậu đỏ cỡ nhỏ khoảng 60g chứa tới 270 calo, lượng calo tương đương một tô cơm trắng. Nếu không kiểm soát khi ăn bánh trung thu, bạn không những đánh mất vóc dáng thon gọn mà còn gây hại tới sức khỏe.
Bánh trung thu góp phần tạo không khí đầm ấm rằm tháng tám nhưng cũng chứa một lượng calo, đường hay chất phụ gia đáng lo ngại. Vậy làm sao bạn có thể ăn bánh trung thu để tận hưởng dịp lễ này mà vẫn đảm bảo sức khỏe?
1. Ăn bánh trung thu cùng gia đình
Nếu bạn không muốn rơi vào tình trạng không kiềm chế được và ăn bánh trung thu, hãy cắt bánh thành nhiều phần nhỏ để chia sẻ cùng gia đình và bạn bè. Cách này có thể giúp bạn giảm được một lượng chất béo và đường đáng kể. Hơn nữa, việc chia sẻ chiếc bánh trung thu sẽ giúp tình cảm cả nhà thắt chặt hơn nữa đấy.
2. Không ăn bánh thay bữa chính
Không ít người thích dùng bánh trung thu thay các bữa chính trong ngày để giảm công sức nấu nướng nhưng điều này sẽ khiến bạn mất cân bằng dinh dưỡng. Hơn nữa, bánh trung thu chứa rất nhiều đường nên nếu bạn dùng vào buổi sáng, lượng đường trong máu sẽ tăng cao nhất thời và sau đó giảm mạnh giữa ngày. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và thèm đồ ngọt nhiều hơn.
Bạn chỉ nên dùng bánh trung thu làm món tráng miệng hay làm bữa phụ thay vì làm bữa chính. Hơn nữa, bạn vẫn cần ăn đủ ba bữa chính trong ngày với một chế độ dinh dưỡng cân bằng có đủ các chất cần thiết như carb tốt, chất béo tốt và protein.
3. Chọn những loại bánh lành mạnh
Không chỉ những loại bánh nhiều đường, dầu hay trứng muối mới thơm ngon, béo ngậy. Những loại bánh trung thu không đường vẫn có vị ngọt béo đậm đà từ các nguyên liệu có vị ngọt tự nhiên như khoai lang, đậu, hạt dẻ…
Để có những phiên bản bánh trung thu lành mạnh, bạn hãy tìm hiểu các công thức bánh trung thu cho người tiểu đường hay bánh trung thu ăn kiêng. Đây là những loại bánh ít đường và lành mạnh hơn những chiếc bánh trung thu mua ngoài tiệm đấy.
4. Uống trà khi ăn bánh trung thu
Khi thưởng thức bánh trung thu, bạn hãy uống thêm ít trà hoa, trà xanh hoặc trà ô long. Những loại trà này có chứa axit axetic hỗ trợ hệ tiêu hóa và ngăn ngừa mỡ tích tụ nên có thể giúp bạn hạn chế tăng cân do bánh trung thu. Bạn cần tránh dùng đồ uống có ga khi thưởng thức bánh trung thu vì những loại nước này chứa nhiều calo và đường nên có thể khiến bạn tăng cân nhanh hơn.
5. Giảm lượng carb khi đã ăn bánh
Nếu đã ăn bánh trung thu trong ngày, bạn nên giảm lượng cơm và các món dầu mỡ trong ngày hôm đó. Cách này sẽ giúp bạn thưởng thức được loại bánh đặc biệt vào rằm tháng tám mà không sợ lượng calo mình nạp vào tăng quá cao. Tuy nhiên, những ai có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa, xơ cứng động mạch và tiểu đường nên hạn chế ăn bánh trung thu.
6. Dùng bưởi kèm với bánh trung thu
Bên cạnh bánh trung thu thì bưởi cũng là một món đậm chất rằm tháng tám. Ngoài ra, đây cũng là một loại quả có hàm lượng vitamin C cao. Vậy nên, bạn có thể ăn bưởi kèm với bánh trung thu để giảm cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Hơn nữa, bưởi cũng sẽ giúp bạn tránh được tình trạng dùng bánh trung thu quá nhiều.
Nếu biết cách ăn bánh trung thu lành mạnh, bạn sẽ không cần lo mình sẽ tăng cân hay bị ảnh hưởng sức khỏe. Bạn hãy kết hợp món bánh rằm tháng tám này vào thực đơn thật khéo léo để thỏa mãn vị giác mà vẫn không gây hại cho cơ thể nhé.