Hoa bụp giấm hay còn gọi là hoa atiso đỏ là một trong những vị thuốc nhập ngoại nhưng lại có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hiện nay ở nước ta đã có nhiều nơi trồng loài cây này và các bạn cũng rất dễ dàng để tiếp cận loại dược liệu nhập ngoại quý giá này.
Cây bụp giấm còn có tên gọi khác là đay Nhật, atiso đỏ. Giân gian gọi tên cây bụp giấm vì nó có hoa mà đỏ giống hoa dâm bụp, lại có vị chua như giấm nên được gọi tên: Cây actiso đỏ là như vậy.
Tên khác
Bụp giấm
Tên khoa học Hibiscus sabdariffa L., thuộc họ Bông – Malvaceae.
Cây Bụp giấm
( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ….)
Mô tả:
Cây bụp giấm sống một năm, cao 1,5-2m, phân nhánh gần gốc, bóng, màu tím nhạt… Lá hình trứng, nguyên, mép lá có răng. Hoa đơn độc, mọc ở nách, gần như không cuống. Tiểu dài 8-12, hình sợi, phần dưới hợp, có lông nhỏ. Đài hợp, có lông nhỏ, phiến nhọn đều, nửa dưới màu tím nhạt. Tràng màu vàng, hồng hay tía, có khi trắng. Quả nang, hình trứng, có lông thô, mang đài màu đỏ sáng tồn tại, bao quanh quả.
Ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10.
Bộ phận dùng:
Lá, hạt, đài hoa – Folium, Semen et Calyx Hibisci.
Nơi sống và thu hái actiso đỏ:
Gốc ở Tây Phi, được trồng để lấy đọt, và đài hoa dùng làm rau chua. Đài hoa phơi khô bảo quản được lâu; sau khi ngâm nước, lại trở lại trạng thái tươi.
Thành phần hoá học actiso đỏ:
Các lá đài bụp giấm giàu về acid và protein; các acid chính tan trong nước là acid citric, acid malic, acid tartric và acid hibiscus. Chúng cũng chứa gossypetin và chlorid hibiscin, chất sau này có tính kháng sinh. Hoa chứa một chất màu vàng là flavonol glucosid hibiscitrin; hibiscetin; gossypitrin và sabdartrin. Quả khô chứa oxalat Ca, gossypetin, anthocyanin (có tác dụng kháng sinh) và vitamin C.
Tác dụng dược lý actiso đỏ
Đài hoa actiso đỏ chứa nhiều vitamin C, axít hữu cơ. Hoạt chất chính là các anthocyanin, polyphenol (protocatechuic axít, quercetin), vitamin B1, vitamin B2, β-caroten… trong đó, anthocyanin chiếm tỷ lệ khá lớn (1,5g/kg khô). Đã có hàng chục bài báo quốc tế công bố kết quả nghiên cứu về tác dụng dược lý của đài hoa bụp giấm đối với tình trạng rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư…
Hạ mỡ máu:
khá nhiều nghiên cứu thực hiện trên các dạng chế phẩm khác nhau từ bụp giấm (đài hoa khô, dịch chiết cồn, viên nang, trà), thời gian theo dõi từ 1 – 3 tháng, cho thấy bụp giấm thể hiện tác dụng giảm cholesterol toàn phần (7,6 – 26%), giảm triglyceride (23 – 48%), giảm LDL-C (8 – 32%), tăng HDL-C (10 – 16,7%).
Hạ huyết áp:
kết quả nghiên cứu của Herrera và cộng sự (Phytomedicine, 2004), cho thấy khi uống 10g đài hoa bụp giấm khô hãm với 519ml nước nóng mỗi ngày trước bữa sáng liên tục bốn tuần, huyết áp tâm thu giảm 11%, huyết áp tâm trương giảm 12,5%, tương đương với nhóm bệnh nhân đối chứng uống Captopril liều 50mg/ngày. Kết quả của một nghiên cứu lâm sàng mù đôi có đối chứng được thực hiện bởi nhóm McKay và cộng sự (J Nutr., 2010) tiến hành trong sáu tuần, nhóm nghiên cứu mỗi ngày uống 240ml trà actiso đỏ, huyết áp tâm thu và tâm trương đều giảm (5,5% và 4%). Kết quả nghiên cứu của nhóm Diane L. McKay (2008) thì kết luận “sử dụng hàng ngày trà bụp giấm có thể giảm huyết áp ở người tăng huyết áp độ 1”.
Hạ đường huyết:
bụp giấm có khả năng ức chế alpha-glucosidase và alpha-amylase, hai enzym liên quan mật thiết đến chuyển hoá nhóm bột đường (carbonhydat) của cơ thể (Ademiluyui, J Med Food, 2012). Trên mô hình tăng đường huyết bằng streptozotocin hoặc alloxan, uống 100 – 200mg/kg/ngày, nồng độ glucose máu giảm 60 – 65% (Peng, J Agric Food Chem, 2011; Farombi, Fundam Clin Pharmacol, 2007).
Bảo vệ gan:
dịch chiết nước và anthocyanin (200mg/kg) của đài hoa actiso đỏ làm giảm men gan điều trị men gan cao ALS, AST trên bệnh nhân rối loạn chuyển hoá. Dịch chiết ethanol cũng làm giảm đáng kể peroxid lipid trên mô hình hoại tử gan bằng carbon tetrachlorid (Dahiru và cộng sự, 2003).
Một số tác dụng khác: an thần, giảm đau, hạ sốt, tăng khả năng bài tiết urate của thận…
Dịch chiết methanol bụp giấm còn ức chế một số dòng tế bào ung thư dạ dày, bạch cầu, ung thư gan, trực tràng, niêm mạc miệng.
Vị thuốc Bụp giấm
( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng …. )
Tính vị, công dụng:
Nước hãm đài hoa actiso đỏ chứa nhiều acid hữu cơ có tác dụng lợi tiểu, lợi mật, lọc máu, giảm áp suất mạch và kích thích nhu động ruột, lại có tác dụng kháng khuẩn và nhuận tràng. Lá cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát. Quả chống scorbut…
Chỉ định và phối hợp:
Lá bụp giấm có vị chua chua, dùng làm rau ăn. Người ta thường dùng đài hoa có vị chua làm gia vị thay giấm, dùng chế nước giải khát, làm mứt. Có nơi dùng chế xi rô, hoặc đem phơi khô và nấu lên lấy nước uống. Lá dùng như chất thơm và cùng với đài hoa và quả dùng trị bệnh scorbut. Đài hoa mọng nước sắc lấy nước uống hay hãm uống giúp tiêu hoá và trị các bệnh về mật; cũng dùng trị bệnh về tim và thần kinh, huyết áp cao và xơ cứng động mạch.
Một số lưu ý khi sử dụng bụp giấm:
– Liều dùng tối đa không quá 2g đài hoa khô/người 60kg vì nó có thể gây độc cho cơ thể nếu dùng quá nhiều.
– Không chế biến ở nhiệt độ quá cao, trong thời gian dài vì hoạt chất chính giúp chữa bệnh của bụp giấm là anthocyanin dễ bị phân huỷ ở nhiệt độ cao.
– Bạn nên chia lượng trà để uống thành nhiều lần trong ngày hơn là dùng một lần số lượng lớn.
– Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên dùng: chưa có bằng chứng về tác dụng bất lợi của bụp giấm đối với thai kỳ, nhưng thực nghiệm trên chuột mang thai và 21 ngày sau sinh nở cho thấy, actiso đỏ gây suy dinh dưỡng thai kỳ, dẫn đến tăng thể trọng và chậm dậy thì ở chuột con (theo nghiên cứu của nhà khoa học Lyare và cộng sự, năm 2008).
– Thận trọng khi dùng chung với các loại thuốc khác: trà actiso đỏ có thể làm giảm 62% nồng độ diclofenac huyết thanh, giảm tốc độ thải trừ diclofenac qua nước tiểu. Với thuốc giảm đau hạ sốt có acetminophen (paracetamol) cũng cho kết quả tương tự.
– Mặc dù bụp giấm có nhiều tác dụng hữu ích, nhưng hiệu quả sử dụng còn tuỳ thuộc tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, loại bệnh mạn tính… của người sử dụng.