Bệnh vôi hóa cột sống là hiện tượng các dây chằng bám vào thân đốt sống hay các mấu gai, mấu ngang của cột sống bị lắng tụ calci. Từ đó quá trình vận động của người bệnh trở nên khó khăn, các dây thần kinh, mạch máu bị đè ép khiến người bệnh cảm giác đau đớn. Đây là hiện tượng lão hóa tự nhiên theo thời gian, thường kèm theo các yếu tố thúc đẩy như quá trình viêm do nhiễm trùng, hoặc dây chằng vùng cột sống bị quá tải do việc nặng hay sai tư thế. Có thể bị vôi hóa cổ, và vôi hóa lưng hay thắt lưng. Bệnh vôi hóa cột sống có rất nhiều nét tương đồng với bệnh gai cột sống. Chính vì vậy để có được cách điều trị bệnh hiệu quả, cần kịp thời theo dõi và gặp bác sĩ để có phác đồ thích hợp.
Nguyên nhân bệnh Vôi hóa cột sống
Bệnh nhân bị vôi hóa đốt sống bởi các nguyên nhân sau: Do máu không cung cấp đủ dưỡng chất và oxy để nuôi xương làm xương bị thoái hóa trở nên xốp. Quá trình trao đổi chất giảm, thoái hóa các tế bào tăng ở người cao tuổi. Ngồi làm việc một chỗ, ít vận động, các khớp xương bị chèn ép, khí huyết lưu thông kém, các tế bào xương thiếu dần dinh dưỡng dẫn tới vôi hóa cột sống.
Triệu chứng bệnh Vôi hóa cột sống
Bệnh vôi hóa đốt sống có các dấu hiệu, biểu hiện như sau: Bị đau lưng, cứng các khớp ở bả vai, hông, đùi, cổ. Ở các vị trí khớp sẽ dẫn đến hiện tượng vôi hóa như: vôi hóa đốt sống cổ, vôi hóa đốt sống thắt lưng… Cảm giác tê bì bàn tay, bàn chân do bệnh đã ảnh hưởng đến tủy sống và dây thần kinh liên chi, nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến teo cơ. Các triệu chứng của bệnh có thể kéo dài dai dẳng hoặc theo chu kì.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh
Từ nguyên nhân của bệnh, có thể kể đến các đối tượng có nguy cơ cao bị vôi hóa cột sống như: Tuổi tác: Những người lớn tuổi; Nghề nghiệp: những người ít vận động, làm việc ngồi một chỗ trong thời gian dài; Chế độ dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng không bổ sung đủ chất hoặc béo phì cũng dẫn đến nguy cơ cao bị vôi hóa cột sống.
Biến chứng vôi hóa cột sống
Vôi hóa cột sống cổ nếu để lâu ngày không chữa trị có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng khả năng vận động như: – Rối loạn tiền đình: Tại các đốt sống cổ tập trung nhiều dây thần kinh quan trọng, khi chúng bị thoái hóa sẽ làm suy giảm quá trình tuần hoàn máu lên não, gây rối loạn tiền đình với các biểu hiện buồn nôn, chóng mặt, lo lắng, mệt mỏi, kém trí nhớ, mất ngủ triền miên. – Tình trạng thoát vị đĩa đệm: Khi bị vôi hóa, đĩa đệm hai đốt sống cổ nằm kề nhau có khả năng đàn hồi kém, nguy cơ thoát vị đĩa đệm rất cao. – Hẹp tủy sống: Các gai xương làm cho không gian trong tủy sống thu hẹp lại, cấu trúc cột sống cổ dần bị thay đổi, khiến người bệnh luôn cảm thấy đau đầu, đau nhức bả vai và vùng cánh tay. – Thiểu năng hệ động mạch đốt sống phân liệt: Gai cột sống chèn ép động mạch đốt sống cổ, gây ra cảm giác hoa mắt, chóng mặt, ù tai, suy giảm trí nhớ… – Chèn ép rễ thần kinh: Vôi hóa đốt đống cổ làm tổn thương dây thần kinh khiến quá trình truyền dẫn thông tin bị gián đoạn. Biến chứng chèn ép rễ thần kinh tủy sống là nguy hiểm nhất, gây bại liệt một hoặc hai tay rối loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thực vật.
Phòng ngừa bệnh Vôi hóa cột sống
Để phòng ngừa bệnh vôi hóa cột sống, có một số biện pháp phòng ngừa sau: Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động như: ngồi lâu, đứng lâu một tư thế; mang vác nặng quá mức hoặc các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế. Duy trì cân nặng ở mức lý tưởng, tránh béo phì. Tập luyện các môn thể thao vừa sức. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dị dạng cột sống để có biện pháp chỉnh hình nội khoa hay ngoại khoa thích hợp.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Để có phương pháp điều trị thích hợp, việc chẩn đoán chính sách tình trạng bệnh có vai trò quan trọng. Có các phương pháp chẩn đoán bệnh nhân bị vôi hóa cột sống sau: Kiểm tra các dấu hiệu bệnh mà bệnh nhân thường mắc phải trước khi kiểm tra cận lâm sàng. Chụp X-quang để quan sát các tổn thương ở cột sống cũng như các cơ quan nội tạng Chụp CT giúp biết được mức độ nghiêm trọng của bệnh và phát hiện các biến chứng. Chụp MRI để xác định chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân. Các biện pháp điều trị bệnh Vôi hóa cột sống Có 2 phương pháp điều trị bệnh vôi hóa đốt sống là điều trị dùng thuốc và điều trị không dùng thuốc.
Về điều trị không dùng thuốc
Thường áp dụng trong nhữngtrường hợp bệnh chưa ở giai đoạn nghiêm trọng với các phương pháp: tập luyện thể dục thể thao làm giãn gân cơ giảm đau, làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp; chiếu đèn, chiếu tia hồng ngoại vào vùng bị đau gây giãn cơ và dây chằng.
Điều trị dùng thuốc
Sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên phương pháp này kèm theo khá nhiều tác dụng phụ như: viêm dạ dày, viêm đường ruột, vấn đề hạ bạch cầu hạt, thậm chí có thể gây xuất huyết dạ dày. Sử dụng thuốc giãn cơ hay làm các liệu pháp như bó nến, chiếu tia cực tím, chạy sóng điện từ… Việc chấp hành nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ có khả năng chữa khỏi bệnh vôi hóa cột sống cao hơn