Không ít người kháo nhau rằng tảo Spirulina hay còn gọi là tảo xoắn có rất nhiều tác dụng “kỳ diệu” như chống lão hóa, trị nhiều bệnh, vừa tốt cho trẻ nhỏ lại rất cần cho người già bồi bổ… Trước khi mua loại tảo xoắn khá đắt đỏ này, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ để tránh tiền mất tật mang nhé!
Tảo Spirulina đang được rất nhiều phụ nữ ưa chuộng nhờ thành phần làm đẹp và tốt cho sức khỏe. Vậy tảo Spirulina là gì và có công dụng thế nào? Avado sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về loại tảo xoắn đang ngày càng trở nên phổ biến như một liệu pháp làm chậm lão hóa và ngăn ngừa bệnh một cách tự nhiên.
Tảo Spirulina là gì?
Spirulina là một loại vi tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục, sinh trưởng tự nhiên trong đại dương và các hồ nước mặn ở khu vực khí hậu cận nhiệt đới. Thực chất loại tảo xoắn này có thể sống ở cả môi trường nước mặn và nước ngọt, là nguồn dinh dưỡng quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người.
Spirulina từng được phân loại như thực vật vì theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Journal Cardiovascular Therapeutics, loại tảo này rất giàu sắc tố thực vật và cũng có khả năng quang hợp. Sau này những hiểu biết về di truyền, sinh lý học và các đặc tính hóa sinh đã giúp các nhà khoa học chuyển phân loại tảo xoắn Spirulina sang giới vi khuẩn, ngành vi khuẩn lam (Cyanobacteria).
Giá trị dinh dưỡng của tảo Spirulina
Tảo Spirulina là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhất trên trái đất và có những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người. Tảo xoắn Spirulina đã được người Axtec ở Bắc Mỹ sử dụng vào ban ngày, nhưng trở nên phổ biến một lần nữa khi NASA đề xuất rằng tảo Spirulina có thể được trồng trong vũ trụ để các phi hành gia sử dụng.
Liều dùng tảo xoắn tiêu chuẩn là 1–3g mỗi ngày, tuy nhiên vẫn có cách sử dụng tảo hiệu quả theo liều 10g/ngày.
Một muỗng tảo Spirulina khô (trọng lượng 7g) cung cấp:
Protein: 4g
Tất cả các axit amin thiết yếu
Sắt: 11% khẩu phần ăn khuyến nghị
Đồng: 21% khẩu phần ăn khuyến nghị
20 calo và 1,7g carbohydrate có thể tiêu hóa được
Vitamin B3 (Niacin): 4% khẩu phần ăn khuyến nghị
Vitamin B1 (Thiamin): 11% khẩu phần ăn khuyến nghị
Vitamin B2 (Riboflavin): 15% khẩu phần ăn khuyến nghị
Chất béo: 1g, bao gồm axit béo omega-6 và omega-3 với tỷ lệ khoảng 1,5 : 1
Magie, kali, mangan và một lượng nhỏ của hầu hết các dưỡng chất cần thiết khác.
Điều này có nghĩa là tảo Spirulina có thể là thực phẩm bổ dưỡng nhất trên hành tinh này.
Protein trong tảo Spirulina có chất lượng cao, tương đương so với trứng. Người ta thường cho rằng Spirulina chứa vitamin B12 nhưng thực chất chỉ chứa pseudovitamin B12, một chất có cấu trúc giống vitamin B12 nhưng không có hoạt tính trên người.
Công dụng của tảo Spirulina đối với sức khỏe
1. Tảo Spirulina có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm
Những tổn thương do quá trình oxy hóa có thể làm hại đến ADN và tế bào, gây ra viêm mãn tính, dẫn đến ung thư và các căn bệnh nguy hiểm khác.
Trong thành phần của tảo Spirulina có chứa rất nhiều phycocyanin, có khả năng chống lại các gốc tự do và ức chế sản xuất các phân tử truyền tín hiệu gây viêm, nhờ đó mà có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm hiệu quả. Đồng thời, chính chất chống oxy hóa này đã đem đến cho tảo xoắn Spirulina màu xanh lục – lam đặc trưng.
Trong một nghiên cứu trên 37 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, dùng tảo Spirulina với liều lượng 8g/ngày giúp làm giảm đáng kể các dấu hiệu của tổn thương do oxy hóa.
2. Tảo Spirulina có tác dụng đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tim
Bệnh tim hiện nay được đánh giá là nguyên nhân gây tử vong cao nhất thế giới. Và các nhà khoa học đã chứng minh Spirulina có tác dụng tích cực đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tim.
Tảo Spirulina có thể làm giảm cholesterol toàn phần, cụ thể là giảm lượng triglyceride, cholesterol xấu LDL và đôi khi có thể làm tăng lượng cholesterol tốt HDL. Kết quả từ một nghiên cứu trên người có hàm lượng cholesterol cao cho thấy: dùng tảo với liều 1g/ngày giúp làm giảm 16,3% lượng triglyceride và 10,1% lượng LDL. Tiến hành thử nghiệm với những người bị tiểu đường tuýp 2 cũng cho kết quả rất khả quan.
3. Tảo Spirulina giúp ngăn ngừa oxy hóa cholesterol xấu LDL
Quá trình peroxy hóa lipid, có thể hiểu là oxy hóa chất béo, sẽ khiến cấu trúc chất béo bị tổn thương và gây ra nhiều căn bệnh khác. Lipoprotein LDL trong máu bị oxy hóa là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim.
May mắn là, các chất chống oxy hóa trong tảo Spirulina có khả năng làm giảm quá trình peroxy hóa lipid một cách rất hiệu quả. Điều này đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu trên người và mô hình động vật. Tảo xoắn Spirulina cũng làm tăng lượng enzyme chống oxy hóa trong máu.
4. Spirulina có khả năng chống ung thư, đặc biệt là ung thư miệng
Các thí nghiệm trên động vật cho thấy tảo Spirulina có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện ung thư cũng như kích thước khối u. Đặc biệt, loại tảo này có hiệu quả đáng kể trong việc phòng chống ung thư miệng.
Nghiên cứu ảnh hưởng của tảo Spirulina trên 87 người Ấn Độ mang những tổn thương tiền ung thư miệng được gọi là xơ hóa niêm mạc miệng (OSMF) đã cho kết quả: sau khi sử dụng tảo với liều lượng 1g/ngày trong suốt 1 năm, 45% người ở nhóm sử dụng đã phục hồi hoàn toàn các tổn thương trong miệng, còn ở nhóm không sử dụng tảo chỉ có 7% là phục hồi. Sau khi ngừng dùng tảo xanh, một nửa số người từng tham gia lại tiếp tục bị tổn thương miệng trong những năm kế tiếp.
Trong một nghiên cứu khác trên 40 bệnh nhân mang những tổn thương tiền ung thư OSMF, sử dụng tảo Spirulina 1g/ngày giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh thậm chí còn hiệu quả hơn so với thuốc Pentoxyfilline.
5. Tảo Spirulina có thể giúp hạ huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ
Huyết áp cao là một yếu tố chính dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm bao gồm các cơn đau tim, đột quỵ và bệnh thận mãn tính. Kết quả từ một số nghiên cứu đã cho thấy sử dụng tảo theo liều lượng 4,5g/ngày có thể làm giảm huyết áp của những người có huyết áp bình thường do tảo Spirulina làm ra tăng sản xuất oxit nitric, một phân tử tín hiệu giúp giãn nở mạch máu.
6. Tảo Spirulina giúp cải thiện triệu chứng viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng được đặc trưng bởi những dấu hiệu viêm đường hô hấp mũi. Nó được kích hoạt bởi các chất gây dị ứng trong môi trường, chẳng hạn như phấn hoa, lông động vật hoặc thậm chí là bụi lúa mì.
Tảo Spirulina là một phương pháp điều trị thay thế phổ biến cho các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Nghiên cứu trên 127 người bị viêm mũi dị ứng cho thấy sử dụng 2g tảo Spirulina mỗi ngày làm giảm đáng kể các triệu chứng như ngứa, chảy nước mũi, hắt hơi và nghẹt mũi.
7. Spirulina có thể có một số công dụng ngăn ngừa bệnh khác
Tảo Spirulina có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, như giúp “giải độc” kim loại nặng asen cho cơ thể. Bên cạnh đó, đã có một số nghiên cứu kết luận được những công dụng của tảo Spirulina đối với một số căn bệnh khác. Tuy nhiên vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người hơn để khẳng định chính xác các công dụng này.
Kiểm soát đường huyết:
Nghiên cứu trên mô hình động vật đã chỉ ra rằng tảo Spirulina có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu, ở một số nghiên cứu trên người cũng cho kết quả này. Trong vài trường hợp, tảo Spirulina còn hiệu quả hơn các loại thuốc tiểu đường phổ biến như Metformin.
Một nghiên cứu trên 25 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 cho kết quả làm giảm đường huyết đáng kể sau khi dùng tảo với liều lượng 2g/ngày. Chỉ số phản ánh đường huyết trung bình (HbA1c) của họ đã giảm từ 9% xuống 8%. Các nghiên cứu ước tính rằng giảm 1% lượng HbA1c có thể làm giảm đến 21% nguy cơ tử vong do bệnh tiểu đường.
Ngăn ngừa bệnh thiếu máu:
Thiếu máu có nhiều dạng khác nhau mà dạng phổ biến nhất được đặc trưng bởi sự giảm hemoglobin hay các tế bào hồng cầu. Bệnh thiếu máu khá phổ biến ở người cao tuổi, thường dẫn đến cảm giác mệt mỏi kéo dài.
Nghiên cứu trên 40 người cao tuổi có tiền sử thiếu máu đã cho kết quả: bổ sung tảo xoắn Spirulina làm tăng hàm lượng hemoglobin trong hồng cầu, đồng thời chức năng miễn dịch cũng được cải thiện.
Cải thiện sức mạnh và độ bền cơ bắp: Những tổn thương do oxy hóa khi luyện tập thể dục là nguyên nhân chính gây ra mỏi cơ bắp. Do đó, một số loại thực phẩm từ thực vật có đặc tính chống oxy hóa có thể giúp vận động viên và các cá nhân hoạt động thể chất giảm thiểu những tổn thương này.
Một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận là tảo Spirulina cũng có tác dụng cải thiện sức mạnh và độ bền cơ bắp, đồng thời nâng cao khả năng chịu đựng đáng kể.
Nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng tảo Spirulina
Các bác sĩ cho biết, nói chung sử dụng tảo Spirulina là tương đối an toàn, loại tảo này cũng đã được sử dụng làm thức ăn từ rất lâu. Dù là loại siêu thực phẩm có lợi cho sức khỏe, chọn không đúng tảo sạch sẽ gây nhiều nguy hiểm hơn khi sử dụng.
Nếu sinh trưởng trong môi trường bị ô nhiễm, tảo biển Spirulina có thể bị nhiễm các loại kim loại, vi khuẩn có hại và microcystin – độc tố được sản sinh từ một số loại tảo khác. Tảo xoắn Spirulina bị nhiễm độc có thể gây tổn thương gan, buồn nôn, nôn, khát nước, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, sốc và thậm chí gây tử vong, đặc biệt nguy hiểm với trẻ em.
Trong một số trường hợp đặc biệt, các protein trong tảo thúc đẩy sản sinh nhiều amoniac hơn, dễ gây rối loạn thận và tạo ra sỏi thận do chứa quá nhiều urê trong cơ thể, tạo áp lực lên thận. Khi thận bị tổn thương, một số dưỡng chất dư thừa trong máu cũng có thể khiến bạn bị phù nề ở tay, chân.
Cách sử dụng tảo Spirulina an toàn và hiệu quả
1. Chọn loại tảo Spirulina:
Tảo xoắn Spirulina trên thị trường hiện nay có rất nhiều dạng: viên tảo chức năng, viên nang uống, bột tảo, tảo khô… Ngoài ra còn có những loại đặc biệt như tảo mặt trời với chức năng chủ yếu là tăng cân, cũng có loại tảo nhật Spirulina giúp giảm cân.
Tảo có thể chứa mùi khá tanh, do đó tùy vào nhu cầu và khả năng sử dụng mà bạn có thể lựa chọn dạng tảo phù hợp.
2. Xác định liều dùng phù hợp:
Liều lượng tảo cần dùng tiêu chuẩn là 2–3g/ngày. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến chuyên gia để xác định lượng dùng thích hợp cho mình nếu bạn có các vấn đề sức khỏe khác. Khi mới bắt đầu dùng tảo, bạn nên sử dụng liều lượng ít hơn để cơ thể dần quen với loại tảo này nhé.
3. Dùng tảo đúng thời điểm và mục đích:
Bạn nên tìm hiểu kỹ các cách dùng tùy theo mục đích của mình để có hiệu quả cao nhất và tránh tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Giảm cân: Nếu muốn dùng tảo Spirulina để giảm cân, hãy uống tảo cùng với nước trước mỗi bữa ăn 30 phút. Tảo sẽ tạo cảm giác no tự nhiên, giúp bạn ăn ít hơn mà vẫn không cảm thấy đói.
Tăng cân: Nếu muốn dùng tảo Spirulina để tăng cân, bạn nên uống tảo ngay sau khi ăn, có thể dùng kèm với các món tráng miệng.
Trị chứng rối loạn tiêu hóa: uống tảo khi dạ dày đang trống, 30 phút trước khi ăn bất kỳ món gì đễ chữa rối loạn tiêu hóa. Bổ sung dưỡng chất: bạn có thể pha bột tảo với sinh tố làm từ trái cây và rau lá xanh, nước ép trái cây hay sữa chua để giảm bớt vị đắng nhẹ.
Lưu ý trong vòng ít nhất 1 tiếng sau khi dùng tảo xoắn, bạn không nên dùng đồ uống có cồn, cà phê hay nước ngọt vì các thức uống này sẽ phá hủy lượng dinh dưỡng và enzyme có trong tảo Spirulina.
4. Cách bảo quản tảo Spirulina:
Đối với tảo tươi, nên bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, còn các loại khác như tảo khô hoặc viên uống thì để nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Bạn không nên chế biến tảo theo các phương pháp như nấu, luộc hay dùng lò vi sóng vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng của tảo Spirulina.
Bạn nên dùng các món ăn và thức uống được pha thêm tảo ngay sau khi chế biến để đảm bảo giữ nguyên dưỡng chất. Nếu không dùng hết, bạn có thể bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh, làm đông sẽ không khiến tảo bị biến chất. Ngoài ra, khi đã rã đông, bạn hãy dùng hết các món ăn/thức uống có tảo, không nên đông lạnh chúng lần nữa đâu nhé!
5. Bổ sung tảo mỗi ngày:
Sử dụng tảo Spirulina mỗi ngày sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Bạn có thể uống viên tảo theo liều lượng đã chọn hoặc như hướng dẫn trên bao bì. Bổ sung tảo tươi, tảo khô hay bột tảo vào các món ăn và thức uống hàng ngày.
Bên cạnh đó, trong tảo Spirulina không chứa vitamin C nhưng loại vitamin này sẽ giúp hấp thụ một số dưỡng chất khác tốt hơn, vì vậy bạn có thể kết hợp tảo với các loại thực phẩm khác có chứa vitamin C như nước cam, chanh…
1. Cần tìm hiểu rõ nguồn gốc và xuất xứ:
Tổ chức Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) khuyến cáo người sử dụng nên tìm kiếm nguồn gốc xuất xứ của tảo Spirulina để đảm bảo loại tảo này sinh trưởng ở điều kiện an toàn và đã được kiểm tra độc tố. Không chỉ lựa chọn tảo có nguồn gốc uy tín, bạn nên ưu tiên chọn các loại tảo hữu cơ (organic) để đem lại nguồn tảo tốt và an toàn nhất cho sức khỏe.
2. Đối tượng không nên sử dụng tảo Spirulina:
Không phải ai cũng có thể sử dụng loại tảo rất tốt cho sức khỏe này, bạn nên tránh sử dụng nếu rơi vào các trường hợp sau đây nhé.
Người mắc bệnh tự miễn: nên tránh sử dụng tảo Spirulina vì loại tảo xoắn này làm tăng cường miễn dịch, bổ sung tảo Spirulina có thể làm các triệu chứng của bệnh đa xơ cứng (multiple sclerosis), bệnh lupus ban đỏ (SLE), bệnh viêm khớp (rheumatoid arthritis) và các bệnh có liên quan đến sự hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch trở nên nghiêm trọng hơn.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: cũng không nên dùng tảo Spirulina vì chưa có nghiên cứu nào chứng minh loại tảo Spirulina này an toàn cho phụ nữ có thai.
Người mắc các bệnh di truyền: như bệnh Phenylketonuria (rối loạn về chuyển hóa Phenylalanyl (Phe) thành Tyrosine (Tyr) cũng nên tránh sử dụng tảo Spirulina.
3. Không dùng kèm với một số loại thuốc khác:
Tảo Spirulina có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc ức chế miễn dịch thường được sử dụng để điều trị các bệnh tự nhiễn và chống loại thải miễn dịch khi cấy ghép nội tạng.
Loại tảo này cũng gây ảnh hưởng tới các loại thuốc làm giảm đông máu ví dụ như warfarin cũng như các loại thuốc kháng viêm không steroid. Nếu kết hợp tảo Spirulina với các loại dược phẩm làm chậm quá trình đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Do đó, bạn không nên dùng kèm tảo với đinh hương, đan sâm, tỏi, gừng, bạch quả, nhân sâm và nghệ.
Tảo Spirulina chính là một loại siêu thực phẩm với rất nhiều dưỡng chất cần thiết mà biển cả đã ban tặng cho chúng ta. Nếu muốn bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe, bạn đừng bỏ qua món quà thiên nhiên này nhé!