Ngứa da mặt triệu chứng nhỏ nhưng để lại tác hại lớn

Ngứa da mặt có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề ngoài da, nhưng đồng thời có thể xuất phát từ nguyên nhân bên trong cơ thể. Các nguyên nhân phổ biến gây ngứa da mặt thường do da khô, dị ứng theo mùa và da tiếp xúc với chất gây kích ứng. Nguyên nhân khác có thể do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm và thuốc giảm đau. Một số tình trạng sức khỏe bên trong cũng có thể gây ngứa chẳng hạn như bệnh gan, bệnh tuyến giáp, ung thư hoặc bệnh đa xơ cứng, thiếu hụt dinh dưỡng.

Ngứa da mặt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, để chẩn đoán được chính xác nguyên nhân gây ra, bạn cần nhận biết được các triệu chứng đi kèm và sự kiểm tra của bác sĩ. Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách chữa da mặt bị ngứa nhé!

Nguyên nhân gây ngứa da mặt

Ngứa da mặt kèm theo nổi mẩn đỏ

Nguyên nhân khiến da mặt bị ngứa có thể được phân loại dựa theo triệu chứng đi kèm bao gồm:

1. Ngứa da mặt kèm phát ban

Nếu bạn bị ngứa da mặt kèm theo các triệu chứng phát ban, nổi mề đay hoặc viêm da tiếp xúc, bạn có thể đang mắc phải phản ứng dị ứng. Khi hệ thống miễn dịch phản ứng với vật lạ mà bạn đã tiếp xúc sẽ gây ra tình trạng này.

Việc ăn phải các loại thực phẩm dễ gây kích ứng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến da mặt bị ngứa. Các loại thực phẩm bạn nên lưu ý bao gồm đậu phộng, hải sản, quả hạch…

Khi da bạn tiếp xúc với chất gây kích ứng (không phải phản ứng dị ứng) như hóa chất tẩy rửa, xà phòng hoặc một số thực phẩm cũng có thể gây ngứa và phát ban. Các tình trạng gây ngứa cùng với các vết sưng đỏ có thể bao gồm bệnh vẩy nến, chứng đỏ mặt (rosacea) và viêm da quanh miệng (perioral dermatitis).

Ngứa da mặt kèm phát ban
Ngứa da mặt kèm phát ban

2. Ngứa da mặt không phát ban

Việc nhận biết các triệu chứng kèm theo có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây ngứa bao gồm:

Ngứa da mặt không nổi mẩn, nhưng cảm thấy khó thở, mắt vàng nhạt và mất nước: Bạn nên đi khám bác sĩ ngay, những triệu chứng này có thể chỉ ra các vấn đề về gan, bệnh vàng da hoặc bệnh Hodgkin.

Ngứa da không nổi mẩn và không có triệu chứng rõ ràng khác: Tình trạng này cho thấy bạn có thể bị thiếu sắt, phản ứng dị ứng nhẹ, khô da. Bạn đang bị nhạy cảm với nước sử dụng, ví dụ, bạn có thể bị khô da do nước cứng (nước có lượng khoáng chất cao). Để tìm hiểu nước đang sử dụng có phải là nước cứng hay không, bạn hãy tìm kiếm dấu hiệu tích tụ màu trắng (cặn khoáng) trên bồn rửa hoặc vòi hoa sen.

Người mắc bệnh thận thường có cảm giác ngứa ngáy khó chịu không chỉ ở vùng mặt mà còn ở khắp người, tình trạng này ngày càng trầm trọng vào những ngày nóng. Bên cạnh đó, ở người mắc bệnh về gan, quá trình thải độc của gan bị ảnh hưởng khiến cơ thể không đào thải được độc tố khiến da mặt bị ngứa.

3. Da mặt bị ngứa và nổi mụn

Da mặt bị ngứa và nổi mụn là tình trạng xảy ra khá phổ biến, có thể lây lan do vi khuẩn phát triển và khiến mụn xuất hiện trên da mặt ngày càng nhiều hơn. Mụn nhọt gây ngứa có thể xuất hiện do dị ứng mồ hôi, sử dụng mỹ phẩm, bít tắc lỗ chân lông hoặc hormone.

Tình trạng ngứa da mặt do dùng mỹ phẩm là một trong những nguyên nhân khá phổ biến, làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ gây tác động đến các yếu tố thẩm mỹ. Đây là vấn đề dễ gặp phải khi bạn dùng mỹ phẩm không phù hợp với làn da của mình.

Tình trạng cảnh báo
Tình trạng cảnh báo

4. Tình trạng da khi mang thai

Tình trạng da mặt bị ngứa khi mang thai thường khá hiếm. Bạn còn có thể ngứa ở trên tay và chân, đây có thể là triệu chứng của một tình trạng được gọi là ứ mật thai kỳ. Tình trạng này có thể xuất hiện mà không gây phát ban. Các triệu chứng khác có thể bao gồm nước tiểu sẫm màu, phân nhạt… Ứ mật thai kỳ thường xảy ra trong khoảng 30 tuần thai.

Ngứa da mặt do ứ mật thai kỳ cần được chẩn đoán và điều trị sớm, vì vậy bạn hãy nói chuyện với bác sĩ ngay nếu có bất cứ triệu chứng bất thường khi mang thai.

Bạn nên thăm khám bác sĩ nếu gặp phải các tình trạng:

Da có dấu hiệu nhiễm trùng

Gây mất tập trung hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày

Đi kèm với các triệu chứng khác như mệt mỏi cực độ, sụt cân hoặc sốt kéo dài

Triệu chứng vẫn xuất hiện trong hơn 2 tuần ngay cả khi sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà và các loại kem không kê đơn

Cách trị ngứa da mặt hiệu quả

Bác sĩ soi da chẩn đoán nguyên nhân ngứa da mặt

Trước khi tìm cách trị ngứa da, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng mẩn ngứa da như:

Thăm khám lâm sàng: Để chẩn đoán nguyên nhân dựa trên các triệu chứng ban đầu

Sinh thiết da: Để kiểm tra sức khỏe của các lớp da khác nhau và tình trạng làn da ở cấp độ tế bào

Xét nghiệm máu: Để chẩn đoán các vấn đề thiếu hụt dinh dưỡng hoặc dị ứng không rõ nguyên nhân

Bạn nên kết hợp cách điều trị tại nhà và theo toa bác sĩ để có thể ngăn ngừa các triệu chứng khó chịu khi bị ngứa da.

Điều trị hiệu quả
Điều trị hiệu quả

Điều trị tại nhà

Một số biện pháp khắc phục tại nhà khi bị ngứa da mặt bao gồm:

Làm mát vùng ngứa: Bạn có thể dùng khăn lạnh hoặc gạc lạnh áp lên mặt để làm dịu cơn ngứa thay vì gãi.

Loại bỏ chất gây ngứa: Bạn có thể tắm nước ấm, thử lau mặt bằng khăn ướt hoặc rửa mặt sạch, mát để loại bỏ chất này gây kích ứng tiếp xúc làm ngứa da mặt.

Giảm căng thẳng: Bạn nên thư giãn tinh thần bằng cách tập thể dục, nghe nhạc hoặc làm điều mình thích vì khi căng thẳng có thể làm cho tình trạng ngứa nặng hơn

Dùng thuốc chống dị ứng: Bạn có thể sử dụng loại kem kháng histamine không kê đơn an toàn để bôi trên da mặt. Bạn cần đảm bảo tránh khu vực xung quanh mắt khi bôi thuốc. Nếu các triệu chứng xấu đi sau khi bôi, bạn hãy ngừng sử dụng và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Dùng thuốc làm dịu: Bạn có thể cân nhắc mua loại kem kháng viêm hydrocortisone không kê đơn hoặc một loại kem bôi có tác dụng làm dịu như calamine.

Điều trị theo bác sĩ

Bôi thuốc giảm ngứa da mặt theo chỉ định bác sĩ

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc và đưa ra các thay đổi lối sống để giảm tình trạng ngứa. Các phương pháp điều trị của bác sĩ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngứa mặt bao gồm:

Quang trị liệu (liệu pháp ánh sáng)

Thuốc kê đơn hydrocortisone hoặc kem kháng histamine

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) – thuốc chống trầm cảm

Chất ức chế calcineurin (thuốc ức chế miễn dịch không có chứa steroid) – thường sử dụng trong viêm da cơ địa

Ngăn ngừa ngứa da mặt

Bạn hãy chăm sóc da cơ bản với những bước bao gồm:

Uống nhiều nước để giữ nước

Rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ

Sử dụng dưỡng ẩm để ngăn ngừa khô da

Sử dụng các loại kem dưỡng cho da nhạy cảm

Lựa chọn kem dưỡng ẩm không quá đặc vì có thể gây tắc lỗ chân lông

Đồng thời lưu ý một số vấn đề bao gồm:

– Không gãi vào vùng da ngứa

– Hạn chế các thực phẩm đã từng gây dị ứng

– Hạn chế sử dụng mỹ phẩm đã cũ từ 6 đến 12 tháng.

– Trong mùa lạnh, bạn có thể cân nhắc sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ cho làn da không bị khô

– Bạn nên tắm nước ấm hoặc nước mát để bảo vệ mức độ ẩm trong da, tránh tắm nước quá nóng

– Đảm bảo tránh các chất, thành phần, hoặc vật liệu gây kích ứng da có thể bao gồm xà phòng hoặc chất tẩy rửa mạnh, một số kim loại trong đồ trang sức (như niken)…

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn nguyên nhân, cách chữa trị và phòng ngừa da mặt bị ngứa. Bạn hãy thăm khám bác sĩ sớm nếu các triệu chứng kéo dài hoặc trở nặng để kịp thời xử lý nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *