Mề đay cholinergic nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị

Mề đay cholinergic có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, hay thậm chí dẫn đến sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Khi hiểu rõ hơn về mề đay cholinergic, bạn sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu mề đay cholinergic là gì, nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị nhé!

Mề đay cholinergic là gì?

Mề đay cholinergic (cholinergic urticaria) là một dạng phát ban ngoài da do nhiệt độ cơ thể tăng lên. Tình trạng này thường tiến triển khi bạn tập thể dục hoặc đổ mồ hôi, có thể tự xuất hiện và tự biến mất trong vòng vài giờ.

Triệu chứng nổi nốt mề đay cholinergic

Trong vòng 6 phút đầu tiên khi tập thể dục, các triệu chứng nổi nốt mề đay sưng bắt đầu xuất hiện. Tình trạng này có thể trở nên trầm trọng hơn trong 12 đến 25 phút tiếp theo. Các triệu chứng mề đay cholinergic mà bạn có thể gặp phải bao gồm:

Ngứa da
Mẩn đỏ xung quanh vết sưng
Nổi mề đay (nốt nhỏ, sưng trên bề mặt da)
Mặc dù nốt mề đay có thể xuất hiện trên toàn bộ cơ thể, nhưng chúng thường bắt đầu ở trên ngực và cổ của bạn. Sau đó những vết sưng này có thể lan ra các khu vực khác. Tình trạng này có thể kéo dài từ vài phút đến khoảng 4 tiếng sau khi tập thể dục.

Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng không liên quan đến các vấn đề về da như:

Đau bụng
Tiêu chảy
Nôn, buồn nôn
Tăng tiết nước bọt
Mề đay cholinergic có thể gây sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng nghiêm trọng của cơ thể. Các triệu chứng xuất hiện có thể đe dọa tính mạng và người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Bạn hãy nhờ người thân hoặc tìm đến bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải các triệu chứng khẩn cấp như:

Khó thở
Đau đầu
Đau bụng
Buồn nôn
Thở khò khè
Nếu gặp phải trường hợp này, bạn hãy sử dụng dụng cụ tiêm epinephrine (Epipen) để kiểm soát triệu chứng tạm thời khi chờ đợi sự chăm sóc y tế.

Nguyên nhân mề đay cholinergic
Nguyên nhân mề đay cholinergic

Nguyên nhân gây mề đay cholinergic

Tập thể dục có thể gây nổi mề đay cholinergic

Mề đay cholinergic xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Bất cứ hoạt động hay cảm xúc nào làm tăng nhiệt độ cơ thể cũng kích hoạt cơ thể kích thích tế bào mast (dưỡng bào) tăng cường giải phóng histamin – nguyên nhân gây ra các triệu chứng mề đay cholinergic. Một số nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:

Tập thể dục
Đang bị sốt
Tắm nước nóng
Suy nghĩ lo lắng
Dùng thức ăn cay
Tham gia thể thao
Buồn bã hoặc tức giận
Đang ở trong nhiệt độ môi trường nóng
Tác dụng phụ của một số loại thuốc chống viêm, kháng sinh do sử dụng lâu dài
Nguyên nhân gây nổi mề đay cholinergic còn có thể do nhiễm ký sinh trùng. Khi sinh vật lạ xâm nhập vào cơ thể, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách sản xuất ra các kháng thể để chống lại kháng nguyên. Điều này làm tiết ra chất gây dị ứng da khiến bạn bị nổi mề đay.

Bất cứ ai cũng có thể mắc phải mề đay cholinergic, nhưng thường chủ yếu là ở đàn ông. Tình trạng này thường bắt đầu vào khoảng 16 tuổi và có thể tiếp tục cho đến khi 30 tuổi. Bạn có thể dễ bị nổi mề đay hơn nếu gặp phải các dạng phát ban hoặc tình trạng da khác.

Chẩn đoán mề đay cholinergic

Bác sĩ chẩn đoán mề đay cholinergic thông qua thăm khám lâm sàng

Người bệnh nếu gặp phải các vấn đề này sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh như:

Tiền sử gia đình mắc bệnh
Làm việc ở nơi có nhiệt độ cao
Thường xuyên dùng thuốc aspirin
Thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng
Chức năng thần kinh, tuyến mồ hôi bị suy giảm
Viêm da cơ địa, hen suyễn hoặc bị viêm mũi dị ứng
Các triệu chứng mề đay thường không nghiêm trọng nhưng có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, do đó bạn hãy nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh chóng dựa vào đánh giá lâm sàng đơn giản và trao đổi với bạn về các triệu chứng gặp phải.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành thực hiện các xét nghiệm có thêm thông tin về tình trạng này bao gồm:

Xét nghiệm làm ấm thụ động: Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách tăng nhiệt độ cơ thể bạn bằng nước ấm hoặc tăng nhiệt độ phòng. Điều này giúp bác sĩ có thể quan sát phản ứng cơ thể khi tiếp xúc với nhiệt độ tăng dần.

Xét nghiệm trên da bằng methacholine: Bác sĩ sẽ tiêm methacholine vào cơ thể bạn và quan sát phản ứng trên da.

Xét nghiệm kiểm tra tập thể dục: Bác sĩ sẽ cho bạn tập thể dục và theo dõi các triệu chứng mề đay cholinergic xuất hiện. Bạn cũng có thể được đo bằng các dụng cụ y tế khác trong quá trình xét nghiệm.

Điều trị mề đay cholinergic

Dùng thuốc kháng histamin giúp kiểm soát triệu chứng mề đay cholinergic

Hiện nay không có cách điều trị nổi mề đay cholinergic nào mang đến hiệu quả triệt để. Các phương pháp điều trị khác nhau tùy theo từng người, cần sự phối hợp từ việc sử dụng thuốc, thay đổi lối sống và tránh các tác nhân gây bệnh.

Cách điều trị
Cách điều trị

Dùng thuốc điều trị chỉ định

Thuốc kháng histamine là nhóm thuốc đầu tiên mà bác sĩ thường sử dụng để ngăn ngừa và điều trị tình trạng mề đay. Nhóm thuốc này có thể bao gồm các chất đối kháng thụ thể H1 như hydroxyzine hoặc terfenadine, hoặc thuốc đối kháng thụ thể H2 như cimetidine hoặc ranitidine.

Bạn cũng có thể được kê đơn thuốc để kiểm soát lượng mồ hôi, như methantheline bromide hoặc montelukast. Bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc chẹn beta, thuốc ức chế miễn dịch hay thậm chí là tia UV để điều trị mề đay cholinergic. Nếu nghi ngờ nguy cơ sốc phản vệ do tập thể dục, bác sĩ sẽ có thể chỉ định Epipen để sử dụng nếu các triệu chứng xuất hiện.

Những loại thuốc điều trị mề đay cholinergic đều cần có sự chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ, bạn không nên tự ý mua dùng thuốc có thể khiến bệnh khó điều trị hơn.

Hạn chế tác nhân kích hoạt

Để điều trị vấn đề này thường tập trung chủ yếu vào việc thay đổi lối sống, tránh các yếu tố kích hoạt cơn mề đay. Để tránh xuất hiện tình trạng này, bạn cần hạn chế các trường hợp sau đây nhé:

Tập thể dục
Tắm nước nóng
Tiêu thụ thực phẩm cay nóng
Tiếp xúc nhiệt độ cao kéo dài
Sự căng thẳng, áp lực có thể gây mề đay cholinergic. Do đó, người bệnh cần giảm bớt và kiểm soát sự căng thẳng, tức giận bằng cách đi dạo, nghe nhạc, tập yoga hay làm điều mình thích.

Một số đối tượng đặc biệt, chẳng hạn như vận động viên không thể tránh tập thể dục, vì vậy cần gặp bác sĩ để được tư vấn cách xử lý sớm và phù hợp.

Xây dựng chế độ ăn uống

Một số chuyên gia khuyên mọi người nên áp dụng chế độ ăn ít histamine để giúp hạn chế mề đay mãn tính. Histamine là một hóa chất liên quan đến phản ứng dị ứng của cơ thể.

Chế độ ăn ít histamine sẽ giúp cơ thể hấp thụ ít histamine hơn, đồng thời làm giảm phản ứng dị ứng gây nổi mề đay. Chế độ ăn này được thực hiện bằng cách giảm hoặc tránh các loại thực phẩm như:

Giấm
Rượu
Quả hạch
Thức ăn mặn
Sản phẩm bơ sữa
Cá và động vật có vỏ
Thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản hoặc phụ gia
Bạn nên lưu ý kỹ các thực phẩm đã từng gây kích hoạt phản ứng dị ứng cơ thể bạn gây mề đay và hạn chế tiêu thụ các thực phẩm đó. Nếu bạn có kế hoạch xây dựng chế độ ăn kiêng, bạn nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể không bị thiếu chất, đặc biệt nếu bạn có các tình trạng sức khỏe khác.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn mề đay cholinergic là gì, nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị. Tuy bệnh không quá nguy hiểm và đôi lúc có thể tự khỏi, nhưng nếu bạn không điều trị bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng sống. Do đó, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chữa trị sớm nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *